Trao đổi với VietNamNet, ông Cương khẳng định: “Tôi mới về quản lý nhà hát từ tháng 1/2023, nhiều khán giả khen thiết kế và hàng ghế rộng rãi. Gỗ giờ có nhiều loại, vẫn có thể dùng trong đời thường được, nếu cứ nói dùng gỗ là phá rừng thì Đồng Kỵ mất làng nghề truyền thống”.
NSND Thuý Hường cho biết, từ khi nhà hát đi vào hoạt động chị được biểu diễn ở không gian này rất nhiều lần.
“Tôi thấy nơi đây rất lịch sự và trang trọng. Khách đến chơi nhà, chúng ta mời trầu, mời nước cũng ở không gian trang trọng nhất. Với đặc trưng của hát quan họ, không gian này hợp lý, bộ bàn ghế rất đẹp. Chúng tôi là nghệ sĩ biểu diễn, được giao lưu gần hơn với khán giả, đó là điều hạnh phúc”, NSND Thuý Hường chia sẻ.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, người dùng mạng xã hội tranh cãi về hàng ghế khán giả bên trong nhà hát. Nhiều người cho rằng, hàng ghế đó “sặc mùi tiền, nhìn không phù hợp với không gian nhà hát, đó là chưa kể việc sử dụng nhiều ghế toàn gỗ như vậy liệu có thân thiện với môi trường”. Có quan điểm lại nói: “rất phù hợp với không gian nghe quan họ”.
Đơn vị tư vấn sau đó cũng chia sẻ với VietNamNet: “Sáng tạo được khen ngợi ở đây là việc có bàn trà ở giữa hai hàng ghế. Bởi quan họ là khúc hát giao duyên, đặc trưng mỗi lần hát, liền anh liền chị sẽ mời trầu, trà. Chính vì thế chúng tôi đã tư vấn đặt bàn và lối đi rộng như vậy để các nghệ sĩ có thể tới từng khán giả giao lưu. Như Nhà hát Lớn Hà Nội, hàng ghế quá chật, đi phải né người.
Còn dùng gỗ Đồng Kỵ vì đây là vật liệu địa phương, một cách nào đó góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến chất liệu, sản phẩm làng nghề truyền thống của Bắc Ninh”, vị đại diện chia sẻ.
Theo Tình Lê (VietNamNet)