Thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH sáng nay ở QH, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang Hầu Văn Lý đề cập đến tình hình tai nạn giao thông. Theo ông, tai nạn liên quan đến một số tiêu chí: Kết cấu hạ tầng giao thông, sự an toàn của phương tiện và ý thức người tham gia giao thông.
Đại tá Công an cho hay, để giải quyết điều này cần cả hệ thống chính trị vì cảnh sát giao thông cả nước có làm căng thế nào nhưng ý thức người tham gia kém thì cũng khó.
Ông Hầu Văn Lý nêu: “Các đại biểu ngồi đây có khi cũng từng một lần xin cái này rồi. Chúng tôi ở địa phương rất ức chế về chuyện nghe điện thoại xin xỏ khi vi phạm giao thông.
Đi quá tốc độ, điện đến bảo cho anh em đi, hay không đội mũ bảo hiểm, xe vượt đèn đỏ rất nhiều mà về nguyên tắc phải xử lý. Có những cú điện thoại xin những cái nhỏ nhặt như thế. Chỉ đạo anh em cho đi thì anh em lại vi phạm pháp luật”.
Theo ông, những người đã kiểm soát, phát hiện, không lập biên bản thì rất dễ dẫn đến hình sự, nếu nâng quan điểm lên là lập tức có yếu tố pháp lý ngay. Đó là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm việc có lợi cho người khác, mặc dù không có vật chất gì cả.
Về tai nạn do sử dụng rượu bia, ông đề nghị quy định rõ uống rượu bao nhiêu phần trăm thì xử lý hành chính, bao nhiêu là phải hình sự, vì đây là tội cố ý chứ không phải vô ý nữa.
‘Ở trên chỉ nói, có làm đâu mà sai, dưới làm nên nóng lên là chết’
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh của QH Võ Trọng Việt nhận định tình hình KT-XH thời gian vừa qua là ổn định, phát triển, quyết liệt, sáng tạo và tạo được lòng tin.
Tuy nhiên, bức tranh KT-XH còn một số tồn tại.
Thứ nhất là tiêu cực và sức ì trong bộ máy công quyền quá lớn.
“Nhân chuyện này tôi muốn nói chuyện một số đồng chí lãnh đạo hay nói trên nóng dưới lạnh. Tôi đi địa phương thấy anh em không đồng tình đâu. Anh em nói ở trên có làm đâu mà sai, còn ở dưới làm nên nóng là chết”, ông Việt nói.
Ông cũng cho rằng, Chính phủ nên tập trung chỉ đạo những vấn đề lớn của đất nước như vấn đề doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước.
“Tại sao doanh nghiệp tư nhân năng động thế? Người ta chỉ cần có cơ chế, công bằng, cơ chế thế nào thuận lợi để phát triển. Cớ gì doanh nghiệp nhà nước thì ì ạch, có đủ điều kiện, được ưu ái nhưng lại chậm phát triển. Đó là do cán bộ, con người”, ông Việt nói.
Theo ông, cơ chế cán bộ hiện nay rất rườm rà nhưng vẫn để lọt lưới những cán bộ không tốt. “Chính khâu chọn cán bộ không chuẩn nên điều hành hoạt động hiệu quả thấp”.
Ông Việt đề nghị rà soát, tập trung những vấn đề lớn và làm đến nơi, đến chốn.
“Các đồng chí xem, anh em cũng nói, chuyện gì cũng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Vậy Thủ tướng không chỉ đạo thì không làm à? Làm như vậy mất quyền tự chủ của địa phương”, ông Việt nói thêm.
Mất văn hoá có thể không lấy lại được
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ trăn trở nhiều vấn đề đang xảy ra trong xã hội, trong đó có xu hướng "văn hóa mới, văn hóa khác lạ" cần đặc biệt phải chú ý. Đó là những hiện tượng như Khá Bảnh, Phúc XO...
"Tại sao 1 giang hồ đưa tiền lên mạng rao giảng đạo đức, kiếm tiền dễ như thế rồi được giới trẻ chào đón như một thần tượng", ông Hạ băn khoăn.
Theo ông, đấy là một xu hướng văn hóa lệch lạc cần phân tích và có giải pháp.
Ông cũng nhấn mạnh, mất về văn hóa không có cơ hội để xử lý. Mất về văn hóa sẽ mất đi hàng trăm năm để lấy lại, thậm chí không lấy lại được nữa.
Theo Hương Quỳnh - Thu Hằng (VietNamNet)