Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định ngành y tế cần coi những trường hợp F0, nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng chưa phải bệnh nhân. Những người này cần được cách ly để không lây nhiễm virus ra cộng đồng.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - không phải bất cứ ai dương tính với virus đều là bệnh nhân. Trong y học, những người bệnh dương tính với virus nhưng không có triệu chứng được gọi là “người lành mang trùng”. Có những trường hợp tồn tại virus ở cơ thể suốt đời nhưng không gây ra bất cứ trở ngại nào trong cuộc sống, PGS nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết tỷ lệ người lành mang trùng rất cao. Ví dụ như viêm gan B, có tới 20% dân số mang virus nhưng chỉ có 5 - 10 % bệnh nhân cần điều trị do tăng men gan, còn lại chỉ cần theo dõi định kỳ.
Khi số ca ít, chung ta coi tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 là bệnh nhân và đưa vào bệnh viện điều trị, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, PGS Nhung cho rằng cần xem xét lại. "Nếu chúng ta coi tất cả người nhiễm virus nhưng không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ là bệnh nhân và đưa họ vào bệnh viện, hệ thống y tế sẽ không thể đáp ứng đủ", PGS nói.
Theo PGS Nhung, với những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, việc theo dõi sức khỏe cho họ là mục tiêu chính. Trong trường hợp cần thiết, họ chỉ cần được bổ sung các loại thuốc hạ sốt, vitamin hay thực phẩm chức năng theo chỉ định của nhân viên y tế.
Ví dụ người không có triệu chứng nhưng trên 65 tuổi, có bệnh nền được ưu tiên theo dõi hơn. Người trẻ có thể khuyến cáo tự theo dõi sức khoẻ của mình, khi có dấu hiệu triệu chứng có thể liên hệ cơ sở y tế.
Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5 mức độ: Người không triệu chứng, người có triệu chứng nhẹ, người có triệu chứng trung bình, người diễn biến nặng và các trường hợp nguy kịch.
Bác sĩ Khanh cho rằng người không triệu chứng có thể đưa vào cách ly tại các khu cách ly tập trung để giảm lây cho cộng đồng. Với cách phân loại mới, F0 "không phải bệnh nhân" chỉ cần cách ly và theo dõi, chứ không cần vào bệnh viện vì đơn giản họ không có bệnh, không cần điều trị.
Nếu bạn là F0 "không phải bệnh nhân" của virus SARS-CoV-2, được đưa vào khu cách ly, hãy chuẩn bị để giữ mọi sinh hoạt bình thường nhất. Mọi thứ có thể thiếu thoải mái hơn một chút nhưng không có gì cản trở bạn làm việc online hoặc tranh thủ làm những điều trước đây mình không có thời gian.
Tại TP.HCM, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP đã đưa ra hướng dẫn cách ly với trường hợp F0 không có triệu chứng.
Theo đó, F0 không triệu chứng thực hiện cách ly 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì chuyển cách ly tại nhà.
Trường hợp kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 dương tính với giá trị CT < 30: thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì cho phép người bệnh về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định.
Đối với trường hợp F0 mới phát hiện không triệu chứng, có kết quả xét nghiệm RT-PCR với giá trị CT ≥ 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế thì xem xét cách ly tại nhà.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)