Giải mã dấu ấn giang hồ của những kẻ... "giữ chân thử mực"

21/10/2015 09:37:40

Lệ tù, mỗi khi xăm hình cho các đại ca, đám lâu la đều phải xăm trước để kiểm tra chất lượng mực.

Lệ tù, mỗi khi xăm hình cho các đại ca, đám lâu la đều phải xăm trước để kiểm tra chất lượng mực.

“Nước sông, công tù”

Tin tức từ Chiến “bò”, thợ xăm hình nổi danh trại Văn Hòa đã từng mất đúng 365 ngày để hoàn thành tác phẩm rồng chầu mẫu đơn phủ kín lưng một ông trùm xã hội đen khi đang thụ án cùng nhân vật này. Thiết nghĩ, câu “nước sông, công tù” quả thích hợp khi nói về công sức bỏ ra cho việc xăm mình của cánh phạm nhân.

“Trước đây, hình xăm giống như một loại dấu ấn giang hồ mà chỉ những người ở tù ra mới có. Hầu hết đều được thực hiện một cách lén lút và bí mật sau song sắt trại giam” – Chiến "bò" cho biết.

Theo lời kể của tay thợ xăm giang hồ này, vì phải lén lút, tỉ mẩn từng tí một trong đêm tối để tránh bị quản giáo phát hiện cho nên việc mất vài tháng, thậm chí cả năm trời mới hoàn thành một hình xăm là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Trong khi bây giờ, hình xăm có lớn đến mấy, nhiều lắm cũng chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Để có cơ hội xăm cho nhau đã khó, việc kiếm nguyên liệu lại càng không đơn giản. “Trong tù thì đào đâu ra mực xăm với kim xăm. Tất cả đều phải tự chế ra hết” – Chiến “bò” kể lể.
 

Hình xăm đầu lâu cũng khá phổ biến trong giới tội phạm nước ngoài.

Muốn có mực xăm, cánh phạm nhân phải đốt cháy cao su, có thể là dép “gà”, túi nilong… sau đó dùng chai nhựa chứa nước, hơ trên ngọn lửa để hứng lấy muội của nó. Lớp muội đen bám trên vỏ chai nước sẽ được cạo ra, trộn với kem đánh răng và nước chè thành mực xăm.

Tỉ lệ pha trộn những thứ trên sẽ quyết định màu mực. Và chỉ những bậc thầy về xăm trổ trong giang hồ mới nắm được tỉ lệ "thần thánh” này. Khi được hỏi “có nắm được tỉ lệ đấy không?”, Chiến “bò” lạnh lùng đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi dài, không nói năng.

Lúc này, trong làn khói thuốc mỏng manh, đợi một câu trả lời từ người đối diện, tôi mới thực sự chú ý đến những đường nét xăm trổ uốn lượn tự do trên cánh tay gầy trơ xương của Chiến. Quả nhiên màu mực xanh đen rất đẹp so với những hình xăm mà tôi đã thấy.

Chiến “bò” bảo đó là tác phẩm của sư phụ hắn. Trong thời gian thụ án ở trại giam Văn Hòa, y đã được người này truyền nghề và trở thành thợ xăm.

“Biết mình bị si-đa (HIV) giai đoạn cuối, không còn sống được bao lâu, sư phụ đã có ý tìm kiếm một truyền nhân. Điều này mãi sau này tôi mới biết vì sư phụ giấu kín không cho ai biết. Thấy tôi vẽ đẹp nên người đã nhận làm đệ tử và truyền nghề xăm” – Chiến “bò” trở nên trầm lặng hơn bao giờ hết khi nhớ về người người thầy đã mất của mình.

Để có được một cây kim xăm như ý, cánh phạm nhân phải kiếm được chiếc ghim gỡ từ gáy vở viết, đập cho thẳng ra rồi mài nhọn một đầu. Chiếc kim này sẽ chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được quấn thêm một sợi chỉ ở đầu nhọn. Như vậy, các mũi xăm sẽ đều nhau, kim sẽ không đâm quá sâu hoặc quá nông. Trong tù không có sẵn chỉ nên họ phải rút sợi từ khăn mặt để thay thế.

Việc cuối cùng là ánh sáng. Vì không có đèn nên cánh phạm nhân phải xé quần xé áo bện chặt vào nhau làm bấc, dùng dầu ăn làm chất đốt, chế thành chiếc đèn dầu. Dưới ánh sáng tù mù của loại đèn này, không biết bao nhiêu phạm nhân đã xăm trổ để rồi từ đó mang trên mình dấu tích của tội ác, một thứ dấu tích rất khó để xóa đi.

Những kẻ lụy tình

Trong giới giang hồ, quan trọng nhất là phải có gan. Không có gan thì chẳng làm được việc gì.

Chiến “bò” bỗng dưng trở nên triết lý: “Đàn ông cũng như gỗ làm nhà. Có loại gỗ lớn để làm cột nhà, chống đỡ sức nặng của cả tòa nhà. Nhưng có loại chỉ dùng để lót tường nhà xí”. Hóa ra, đó là một trong số ít những lời vàng ngọc của sư phụ mà y vẫn còn nhớ được.

Nhớ lại thời gian 7 năm trong trại Văn Hòa, không biết bao lần đón phạm mới, chào phạm cũ, Chiến “bò” kể: Phạm mới vào trại bao giờ cũng bị thử đòn. Càng xăm trổ lắm càng thử thách nhiều. Rồng, hổ, đại bàng là bị thử nhiều nhất.
 

Hoa hồng và đầu lâu là sự kết hợp được giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng.

Riêng hàng tép riu chỉ dám xăm đầu lâu xương xẩu, quan tài, bát nhang, đàn bà lõa thể, trái tim rỉ máu hay bông hồng bi lụy thường không mấy khi bị sờ gáy. Bởi một khi đã chọn những hình xăm này, họ đã cam chịu mãi mãi chỉ là hàng lâu la, sĩ tốt, sống để phục tùng và nghe lệnh các đại ca.

“Trong giới giang hồ, vào tù là để khẳng định tên tuổi cho nên phải có gan chịu đòn. Không có gan thì lúc nào cũng yếu thế, sẽ mãi mãi là đàn em. Nếu có bản lĩnh, sẽ nhận được sự tôn trọng không chỉ của các phạm nhân trong trại mà từ cả phía quản giáo. Thà chịu đòn đau để được tôn trọng còn hơn cam chịu làm chân thử mực cho mấy tay giang hồ cộm cán” – Chiến “bò” giải thích.

Lại nói về những kẻ có gan làm giang hồ nhưng không có gan làm đại ca đầu đảng, suy cho cùng “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

Theo Chiến “bò”, đám người này, ngoài xã hội chỉ là đàn em phụng sự dưới trướng của các ông trùm xã hội đen, trong tù thì chỉ đáng là chân “thử mực”.

Đám này sẽ có trách nhiệm thử mực xăm cho các đại ca bằng cách xăm trước lên cơ thể của mình. Hình xăm cho đám “thử mực” tất nhiên không được phép vượt quá so với đẳng cấp của họ.

Một bông hồng trên vai tượng trưng cho một mối tình dang dở, sự níu kéo tình yêu và mong ước có được một người tình chung thủy. Một trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua, điểm thêm vài giọt máu nơi vết thương tình ái thể hiện sự yếu đuối của kẻ đa tình…

Một người đàn bà lõa thể là đỉnh cao của sự thất bại trong tình yêu là sự hận thù. Hình xăm này chứa đựng một câu chuyện dài về trái tim bị phản bội, một vết sẹo hằn sâu trong tâm hồn.

Luận về hình xăm, Chiến “bò” cho hay: “Phàm những người đã có gan làm đại ca, không bao giờ xăm trổ lên người những thứ vớ vẩn như vậy. Họ thường che dấu cảm xúc bên trong, phô diễn sức mạnh ra ngoài và không bao giờ có thể là một kẻ lụy tình!”

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tướng cướp Bạch Hải Đường hay trùm giang hồ Hải Bánh cũng là hàng đại ca tên tuổi trong giang hồ nhưng cả hai, tuy trên xăm đại bàng tung cánh che cả bầu trời mà dưới lại xăm đàn bà lõa thể “thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”.

Ngoài ra, một quan tài lạnh lẽo, một bát hương đơn độc hay mớ đầu lâu xương xẩu rợn người… cũng là dấu tích phổ biến trên cơ thể những tay “giang hồ vặt”. Điều đó thể hiện sự buông xuôi số phận theo dòng đời xô đẩy, xem mình như đồ bỏ đi và thật sự, những tên này cũng chỉ đáng là đồ bỏ đi.

Chỉ cần nhìn thấy những hình xăm trên, đọc vị chủ nhân của chúng là đồ vô dụng nên chẳng tay anh chị nào thèm chấp, sợ bẩn tay. Nhưng không bị các đại ca sờ gáy thì cuộc đời của những tên “thử mực” vốn được coi là đồ bỏ đi này chưa chắc đã được yêu ổn khi trở thành con tốt thí mạng cho những ông trùm trong những cuộc thanh trừng bất tận.
 

Trước đây, chỉ những kẻ có tiền án tiền sự, phải vào tù ra tội mới xăm mình

Đó là ngoài xã hội, còn trong tù, không nhục nhã nào bằng sự nhục nhã của đám lâu la “thử mực”. Đến bữa có miếng cơm ăn cũng phải dâng đại ca chọn những miếng ngon mà ăn trước, việc nhẹ phải nhường cho đại ca việc nặng mình làm, có bánh xà phòng con con cũng đừng hi vọng có cơ hội được dùng mà phải để dành cho đại ca, có tin tức gì phải báo ngay cho đại ca biết…

Nhưng xét cho cùng, dù là đám lâu la “thử mực” hay đại ca giang hồ cộm cán, dù là chiếc quan tài trôi đi giữa cuộc đời vô định hay đại bàng tung cánh muốn ôm trọn trời xanh, điều mà họ không thể tìm thấy là sự yên bình trong cuộc sống và sự thanh thản trong tâm hồn.

Chính Chiến “bò” cũng phải thừa nhận điều này. Ngay cả khi đã mãn hạn tù, được trở lại cuộc sống bình thường, y vẫn luôn bị ám ảnh bởi những lỗi lầm trong quá khứ, sống trong sự dằn vặt vì đã làm tổn thương gia đình, người thân.

Tôi đánh bạo hỏi Chiến: “Sao không xóa đi những dấu tích giang hồ trên da thịt mình để dễ dàng quên đi quá khứ?” Câu trả lời của Chiến khiến tôi sững sờ: “Thế những tên sát thủ máu lạnh như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương, Vi Văn Hai, Nguyễn Đức Nghĩa… có hình xăm nào trên người không?”
 
>> Bắt trùm giang hồ xăm hình đại bàng ở Sài Gòn
>> "Đại ca râu dài" cầm đầu băng giang hồ xăm trổ miền Tây
 
Theo Dương Dung (Nguoiduatin.vn)