Đến Đà Nẵng, nhiều người rất ngạc nhiên và xen lẫn đôi chút là tò mò khi đi khắp thành phố, tìm "đỏ mắt" vẫn không có địa chỉ nhà nào mang số 13.
Đỏ mắt tìm số 13 ở "thành phố đáng sống"
Những dãy phố không có số nhà 13 |
Chị Nguyễn Thị Hoa (27 tuổi, du khách đến từ TP.HCM) kể, vừa rồi vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Nẵng. Ngày 13, là ngày kỷ niệm yêu nhau, nên vợ chồng chị quyết định đăng ký khách sạn là phòng số 13. Nhưng được nhân viên lễ tân báo là ở khách sạn không có phòng số 13. Vợ chồng chị bèn đăng ký thuê phòng ở một số khách sạn khác, nhưng vẫn nhận câu trả lời như thế. "Tôi đi du lịch nhiều nơi rồi, nhưng chưa có nơi nào mà khách sạn không có phòng số 13 cả. Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang tò mò và muốn tìm hiểu?", chị Hoa chia sẻ.
Anh Trần Hữu Đông (35 tuổi) là hướng dẫn viên du lịch cho hãng Viettravel cho biết: "Là một hướng dẫn viên du lịch, tôi thường xuyên thuê phòng khách sạn cho du khách. Thường phải đặt phòng liền kề cho khách, nhưng lúc nào cũng tới phòng 12 rồi 14 chứ không hề có 13. Tôi thắc mắc, nhiều chủ khách sạn chỉ cười".
PV đã "mục sở thị" một số tuyến đường chính của TP. Đà Nẵng như Lê Duẩn, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh,...quả thật, không có nhà nào đánh số 13.
Khách sạn không dùng phòng 13 vì sợ “ế” |
Còn một chủ khách sạn V.C. trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì giải thích: "Không chỉ có khách sạn của tôi mà tất cả các khách sạn ở Đà Nẵng đều không phòng số 13. Nếu có phòng số 13 đi chăng nữa, thì khách thuê phòng, đặc biệt là khách Tây sẽ không nhận. Đương nhiên, những phòng số này sẽ phải chịu cảnh "ế khách" hoặc bỏ trống, cho dù có vào cao điểm mùa du lịch".
Đâu là nguyên do?
Để giải mã "hiện tượng" lạ này, PV đã đến cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng. Trao đổi với PV, ông Trần Văn Quảng, Phó trưởng phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, việc cấp số nhà hiện nay ở Đà Nẵng thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng và Quyết định 84/2006/QĐ-UBND ngày 27/9/2006 của UBND TP. Đà Nẵng về Ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tại Điều 4 của quy chế trên thì "Đánh số nhà mặt đường và nhà trong kiệt, trong hẻm được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3...n) với số từ nhỏ đến lớn theo quy định. Nhà bên trái thì lấy số lẻ (1, 3, 5, 7... n), nhà bên phải thì lấy số chẵn...".
Theo ông Quảng từ năm 2006, việc cấp biển số nhà được thành phố giao cho quận, huyện thực hiện. Sở Xây dựng chỉ quản lý về mặt nhà nước. "Các phường lập danh sách, cấp số nhà, thì các hộ dân được cấp số 13 không chịu và đề nghị cấp lại số khác. Họ quan niệm, số 13 là con số không được may mắn. Từ đó, mỗi khi phường lập danh sách thường bỏ qua số 13. Qua khảo sát thì người dân rất đồng tình về việc này", ông Quảng giải thích.
Ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Hải Châu) cũng khẳng định: Từ những năm 1993, ông là cán bộ địa chính của phường Thạch Thang. Rồi từ năm 1995, TP. Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cấp biển số nhà. Tuy nhiên, người dân không chịu lấy biển số 13 vì họ cho rằng quan niệm cấm kị số đó, nên kiến nghị lên thành phố không lấy số 13. Từ đó, về sau này, dường như trở thành tiền lệ nên khi phường lập danh sách thì không dùng số 13 nữa...
Thậm chí, trên các bản đồ quy hoạch khu dân cư mới, các lô đất tái định cư cũng thiếu vắng khu quy hoạch hay lô đất thứ 13. Một phần cũng do bởi các chủ dự án đều một mực từ chối, hoặc các cá nhân không một ai muốn nhận lô thứ 13 về mình, mặc dù nó nằm ở một vị trí đắc địa đi nữa...
Khi PV đặt vấn đề, liệu làm như thế thì có sai quy định của nhà nước không, ông Thành cho rằng: "Không phù hợp quy định của nhà nước, nhưng thực tế phù hợp với tâm lý và có sự đồng thuận của người dân. Họ không nhận địa chỉ nhà số 13 chẳng lẽ mình cưỡng chế họ?".
Được biết, không chỉ riêng Đà Nẵng có sự kỳ lạ phố không số 13 mà nhiều nước trên thế giới như Vương quốc Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13. Trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu hàng ghế thứ 13.
Người ta nghĩ ra đủ mọi cách. Ví dụ, trong một số tòa nhà có thể tìm thấy tấm biển ghi các ký hiệu "12-A", "B-12" hoặc "12 +1". Tại các bệnh viện tâm thần, người ta phải "chế" hẳn thuật ngữ đặc biệt để chỉ người mắc chứng dị ứng với con số đó là "Triskaidekaphobia". Xuất phát từ đâu mà lại có nỗi ám ảnh kinh hoàng đó đối với con số 13 và liệu sau đó có cái gì.