Giải cứu ngập đường Kinh Dương Vương tại TP. HCM bằng máy bơm: Nhà thầu phản ánh nhiều vấn đề không minh bạch

23/09/2018 23:39:45

Khi tham gia đấu thầu gói thầu giải cứu ngập cho đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP. HCM) bằng máy bơm, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị, phản ánh các dấu hiệu cho rằng chủ đầu tư đã đưa ra các tiêu chí hạn chế sự cạnh tranh, bất bình đẳng trong đấu thầu. Vi phạm Luật Đấu thầu.

Đắp chỗ này ngập chỗ kia

Để giải quyết “rốn ngập” tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP. HCM đầu tư gần 800 tỉ đồng để nâng cấp con đường này. Công trình gần nghìn tỉ này hoàn thành vào năm 2017 đã không giải quyết được tình trạng ngập lụt tại khu vực này. Dự án đã ảnh hưởng đến hơn 400 căn nhà và nhiều tổ chức khác, đã khiến hàng chục tuyến hẻm xương cá cắt ngang tuyến đường Kinh Dương Vương ở trong tình trạng ngập nặng. Người dân vẫn chịu cảnh ngập lụt và bức xúc trước “phương án” nâng đường chống ngập của TP.

Giải cứu ngập đường Kinh Dương Vương tại TP. HCM bằng máy bơm: Nhà thầu phản ánh nhiều vấn đề không minh bạch
Đường Đỗ Năng tế bị ngập sâu sau khi đường Kinh Dương Vương được nâng. (ảnh: TL)

Phương án cứu ngập tiếp theo được đưa ra là đầu tư 178 tỉ đồng ngân sách xây dựng trạm bơm đặt tại rạch Bà Tiếng (trạm bơm Bà Tiếng). Trạm bơm này thuộc dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An lạc, quận Bình Tân). Dự án do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò được Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM ủy quyền làm chủ đầu tư.

Công tác tư vấn thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thấu trạm bơm Bà Tiếng đang bị dư luận nhà thầu nghi ngại về tính minh bạch khi chủ đầu tư “xẻ” trạm bơm này thành 2 gói thầu. Đó là gói thầu xây dựng trạm bơm thoát nước và gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm. Nhà thầu cho rằng tiêu chí dự thầu do chủ đầu tư đưa ra làm khó nhà thầu, có dấu hiệu không minh bạch.

“Trạm bơm phải có móng đi cùng với máy bơm mới đảm bảo sự đồng nhất, Việc xé nhỏ trạm bơm thành 2 gói thầu là bất thường, vi phạm Luật Đấu thầu” – một nhà thầu bức xúc phản ánh.

Giải cứu ngập đường Kinh Dương Vương tại TP. HCM bằng máy bơm: Nhà thầu phản ánh nhiều vấn đề không minh bạch - 1
Cảnh ngập lụt của người dân sống tại các đường xương cá cắt ngang đường Kinh Dương Vương phải gánh chịu mỗi khi có mưa lớn. (ảnh: TL)

Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ là : Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Ngày 08/6 và ngày 22/8/2018, Sở GTVT TP. HCM lần lượt có các quyết định 2904 và 4788 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (gói thầu xây lắp 4- xây dựng trạm bơm, giá trị dự toán là gần 112 tỉ đồng, làm tròn số); Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (gói thầu thiết bị- cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm, giá trị dự toán là trên 66 tỉ đồng). Các quyết định này đều do ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở ký.

Cả hai gói thầu đều do Cty TNHH tư vấn thiết kế BR và Cty Cổ phần tư vấn xây dựng Thủy lợi- Thủy điện Nam Việt (trụ sở tại TP. HCM) làm nhà thầu lập thiết kế.

Không đạt hiệu quả chống ngập ai phải chịu trách nhiệm với tiền ngân sách?

Trên cơ sở phê duyệt của Sở GTVT TP. HCM, gói thầu đã được Ban QLDA cải tạo kênh Ba Bò phát hành hồ sơ thầu. Theo đó, hồ sơ được phát hành từ ngày 30/8 đến ngày 25/9 thì đóng thầu. Gói thầu thiết bị- cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm, giá trị dự toán là trên 66 tỉ đồng gồm có 8 máy bơm (mỗi máy bơm lưu lượng q=6.000 m3/h), tổng lưu lượng Q=48.000 m3/h). Máy bơm này là loại máy ly tâm trục ngang, động cơ điện… để hoạt động được, 8 máy bơm này cần có thêm 2 máy bơm mồi.

Giải cứu ngập đường Kinh Dương Vương tại TP. HCM bằng máy bơm: Nhà thầu phản ánh nhiều vấn đề không minh bạch - 2
Hẻm 687 đường Kinh Dương Vương ngập lụt mỗi khi mưa lớn. (ảnh: TL)

Theo xác nhận của Ban QLDA Cải tạo kênh Ba Bò (bên mời thầu trạm bơm Bà Tiếng), trong thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu đã nhận được yêu cầu của doanh nghiệp đề nghị làm rõ một số nội dung trong hồ sơ mời thầu.

Những nội dung được đề nghị làm rõ như sau: Về chủng loại thiết bị, bài thầu đưa ra là “máy bơm ly tâm trục ngang”. Đây là loại máy bơm thuộc công nghệ cũ. Hiện đã có có nhiều loại máy bơm công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, không tốn diện tích lắp đặt, không cần bơm mồi như bơm chìm trục đứng mà vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của bài thầu. Việc đưa ra yêu cầu máy bơm ly tâm trục ngang đã hạn chế sự cạnh tranh của các sản phẩm tốt hơn, gây bất bình đẳng trong đấu thầu.

Doanh nghiệp cũng chỉ rõ tại trang 22, mục 7 Hồ sơ mời thầu còn ghi loại máy bơm SZ Model hãng bơm Ebara sản xuất. “Việc ghi rõ nhãn mác, chủng loại hàng hóa đã tạo lợi thế cho hàng hóa của một nhà sản xuất ngoại, đi ngược lại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước, gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng vi phạm Luật Đấu thầu…”- đại diện doanh nghiệp bức xúc phản ánh.

Ngoài ra việc chủ đầu tư dự án đưa ra tiêu chí nhà thầu phải có 02 hợp đồng cung cấp lắp đặt thiết bị cho trạm bơm (có đường ống và hệ thống điện điều khiển). Tiêu chí này bị tố là không minh bạch, có dấu hiệu lợi ích nhóm….

Lý giải về “máy bơm ly tâm trục ngang” chủ đầu tư viện dẫn “thiết kế cơ sở” đã được Sở GTVT TP. HCM phê duyệt. Với việc yêu cầu 02 hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị cho trạm bơm (có đường ống và hệ thống điện điều khiển), chủ đầu tư cho rằng căn cứ vào hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công…. Nên việc yêu cầu về hợp đồng tương tự như HSMT là phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, một đại diện nhà thầu lập luận rằng cách lý giải như trên của chủ đầu tư là ngụy biện, bởi: “Lĩnh vực thông báo mời thầu là hàng hóa, nhưng yêu cầu hợp đồng tương tự lại bao gồm cả phần “xây lắp”. Điều này là bất hợp lý và sai so với quy định tại Nghị định 63 và Luật Đấu thầu, gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng đối với các đơn vị tham gia. Yêu cầu nhà thầu phải có bể thử bơm là vô lý và là rào cản đối với nhà thầu. Bơm đã bán trên thị trường là đã đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn thì tại sao lại đưa ra tiêu chí này. Rõ ràng đây là rào cản được dựng lên để hướng đến số ít nhà thầu”- nhà thầu quan tâm đến gói thầu bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên, về chủng loại máy bơm được tư vấn cho gói thầu này, một chuyên gia về cơ khí khẳng định loại máy bơm như trên là thông dụng, có nhiều trên thị trường, các trạm bơm nông nghiệp sử dụng loại bơm này, không phải bơm kỹ thuật cao. Loại bơm này tiêu tốn điện năng, bơm cần phải mồi, trường hợp nắp P hở, không khí lọt vào bơm sẽ bị E (không thể vận hành, lên nước). Nếu sử dụng trong lĩnh vực chống ngập không phù hợp vì nước ngập có nhiều rác dễ làm hở nắp P và bơm bị E.

Như đã nói, phần mua 8 máy bơm và các thiết bị liên quan là 66 tỉ đồng. Phóng viên lấy báo giá của một số hãng cung cấp máy bơm ly tâm trục ngang, giao hàng tại TP. HCM thì đơn giá chỉ có khoảng hơn 3 tỉ đồng cho 1 máy bơm.

Với những khúc mắc của doanh nghiệp quan tâm, dự thầu gói thầu thiết bị- cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm Bà Tiếng cần phải được UBND TP. HCM lưu tâm để đảm bảo sự minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu thầu cũng như việc chọn chủng loại bơm phù hợp phát huy được hiệu quả trong thực tế, tránh lãng phí ngân sách nhưng không đạt được hiệu quả chống ngập như mong muốn.

Dư luận cũng cho rằng như với thiết kế được phê duyệt, nếu trạm bơm Bà Tiếng khi vận hành không đạt hiệu quả chống ngập như mong muốn thì cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế và cơ quan phê duyệt.

Theo Hà Châu (Giadinh.net.vn)

Nổi bật