Gia tài đồ sộ của Bạch Thái Bưởi trong bản di chúc 30 trang

27/03/2017 13:49:00

Bản di chúc của Bạch Thái Bưởi dài 30 trang. Chắt nội của ông cho biết: “Cụ để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô la...”.

Bản di chúc của Bạch Thái Bưởi dài 30 trang. Chắt nội của ông cho biết: “Cụ để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô la...”.

Sinh thời, Bạch Thái Bưởi dự định tạo dựng nhiều công trình như xây nhà máy xay gạo ở Nam Định với thiết bị mua từ Đức; xây nhà máy nước, nhà máy điện ở TP. Nam Định; xây đường sắt Nam Định - Hải Phòng…

Bạch Thái Bưởi còn dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc với lá cờ Bạch Thái Bưởi của người Việt tung bay phấp phới tại các cảng quốc tế...

Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân xưa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nội xưa

Kí hiệu cờ của công ty tàu thủy do Bạch Thái Bưởi sáng lập. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhưng mộng lớn chưa thành thì ông mất sau một cơn đau tim đột ngột vào ngày 22/7/1932 tại Hải Phòng, mảnh đất giúp ông trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ”.

Tại Hội chợ triển lãm tổ chức tại Paris (Pháp), than Việt Nam được giới thiệu nhưng ông đã mất trước ngày diễn ra hội chợ. Ông đã không thực hiện được giấc mộng của mình: “Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”.

Bà Bạch Quế Hương, chắt nội của ông khẳng định, hiện nay bà đang giữ bản di chúc của Bạch Thái Bưởi.

Bà cho biết thêm, bản di chúc dài 30 trang, bằng tiếng Pháp, được lập trước ngày Bạch Thái Bưởi mất khoảng 3 tháng. “Cụ tôi mất đột ngột khi còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp và nhiều dự định dang dở, tuy nhiên dường như ông đã linh cảm được trước điều này”, bà Thái Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, bản di chúc cho thấy tài sản của Bạch Thái Bưởi vô cùng lớn. “Cụ để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô la...”.

Bạch Thái Bưởi để lại nhiều bất động sản ở khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí - Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An).

Không chỉ bất động sản, ông còn sở hữu nhiều tàu, hầm mỏ. Đặc biệt, đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hoá (in ấn, xuất bản). Ông đã đầu tư xây dựng công ty in và xuất bản cũng như cho ra đời 1 tờ báo hàng ngày.

Trong bản di chúc, việc tiếp nối sự nghiệp kinh doanh, Bạch Thái Bưởi tin tưởng giao trọn cho con trai Bạch Thái Tòng.

Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân xưa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nội xưa

Giấy ủy quyền doanh nhân Bạch Thái Bưởi giao lại cho con trai  Bạch Thái Tòng quản lý, điều hành, tiếp nối công việc kinh doanh (Giấy ủy quyền nằm trong Bộ di chúc của Bạch Thái Bưởi). Ảnh: Gia đình cung cấp

“Đám tang lớn chưa từng có”

Sau khi ông mất, gia đình đã làm mặt nạ bằng thạch cao để lưu giữ gương mặt người doanh nhân tài hoa này. Thời đó, chỉ có giới nhà giàu mới có thể làm mặt nạ thạch cao. Tấm mặt nạ thạch cao này đang được bà Quế Hương lưu giữ.

Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân xưa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nội xưa

Mặt nạ bằng thạch cao của ông Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Quế Hương kể: “Theo những người già quen biết gia đình ở Hải Phòng, đám tang cụ tôi lớn nhất thời bấy giờ ở Hải Phòng. Người đưa đám kéo dài hàng km. Trong đó có những người lao động nghèo từng được ông giúp đỡ ở các tỉnh, biết tin ông mất cũng kéo về.

Dù mất ở Hải Phòng nhưng cụ được mai táng ở phường Phương Đông, TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Bởi trước đó, sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi gắn chặt với vùng mỏ Uông Bí, mà cụ thể là khu vực hồ Yên Trung, phường Phương Đông.

Ngày nay, khu vực cảng cho tàu vào ăn than và xuất than đi bán của công ty Bạch Thái Bưởi được đặt tên là cảng Bạch Thái Bưởi. 

Một tập đoàn nhà nước làm về than đã lấy tên cụ đặt cho công ty con của mình đồng thời lập một đền thờ doanh nhân Bạch Thái Bưởi ngay quả đồi nhìn ra cảng Bạch Thái Bưởi.

Mộ của Bạch Thái Bưởi nằm trên một quả đồi của gia đình. Để đưa quan tài từ dưới lên trên đỉnh đồi, người nhà đã phải làm đường ray và dùng tời để chuyển quan tài lên. Một lực lượng người lớn phải huy động để vận chuyển”.

“Người ta kể rằng, tấm bia mộ của cụ Bưởi phải tôi hơn 2 tấn vôi. Điều đó cho thấy khu mộ được xây rất cẩn thận, hoành tráng. Tuy nhiên sau này tấm bia mộ này cũng không còn…”, bà Quế Hương kể tiếp.

Sau khi Bạch Thái Bưởi mất, nhiều kẻ đã nhòm ngó tài sản trong phần mộ của ông. Họ tin rằng, với gia sản đồ sộ như vậy, ông phải được cải táng cùng rất nhiều vàng bạc, châu báu.

Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân xưa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nội xưa

Mặt con nghê bằng ngọc bích (ảnh phải) được cải táng cùng ông Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Gia đình cung cấp 

Chắt nội của Bạch Thái Bưởi cho biết: “Người phát hiện mộ cụ tôi bị đào trộm là một người làm công trong gia đình. 

Gia đình người này trước đây được cụ tôi giúp đỡ nên rất hàm ơn cụ. Một lần trên đường đi làm mỏ, qua quả đồi, người này phát hiện mộ cụ bị đào trộm. Ông cùng gia đình đã chôn cất lại cho người quá cố”.

Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Doanh nhân xưa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nội xưa

Mảnh kẽm trong quan tài doanh nhân Bạch Thái Bưởi và đá xanh rải dưới ngôi mộ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cũng theo bà Hương, xung quanh câu chuyện bị đào trộm mộ của Bạch Thái Bưởi có rất nhiều giai thoại.

“Người ta kể lại rằng, những kẻ đào trộm mộ sau đó đã phải mang đồ ăn cắp trả lại. Trong đó có một con nghê (bằng cái ấm) được làm bằng ngọc bích và một chiếc đồng hồ bằng vàng. Lúc đưa trở lại mộ, người ta lắc, chiếc đồng hồ vẫn chạy”, bà Hương kể.

Năm 2013, gia đình bà Quế Hương đã di chuyển mộ doanh nhân Bạch Thái Bưởi về quê là khu Văn Quán, Hà Đông.

Mộ của ông được thiết kế hình con tàu, như cuộc đời của Bạch Thái Bưởi, một con người luôn luôn có khát vọng vươn ra biển lớn…

Theo Ngọc Trang - Diệu Bình (VietNamNet)

Nổi bật