Giả mạo quyết định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về thay đổi hệ thống tra cứu giấy phép lái xe

06/09/2020 14:02:05

Ông Nguyễn Trí Đức khẳng định, quyết định được cho của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thay đổi hệ thống tra cứu giấy phép lái xe (GPLX) lan truyền trên mạng vài ngày qua là giả mạo.

Vài ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc thay đổi hệ thống tra cứu GPLX của Tổng cục Đường bộ VN.

Theo đó, trong văn bản được cho của Bộ GTVT nêu việc quyết định dừng khẩn cấp website gplx.gov.vn và thành lập trang web hosogplx.com để tra cứu thông tin giấy phép lái xe.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT khẳng định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ GTVT không ban hành văn bản này và đây là giả mạo.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, văn bản này sai về thể thức ban hành văn bản, mắc nhiều lỗi "ngây ngô", nhiều lỗi sai chính tả.

Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức cán bộ không phụ trách đào tạo lái xe và đã được chuyển về cho Vụ ATGT quản lý, trong khi đó tại Quyết định giả này lại viết "Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ".

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, không có chuyện hệ thống tra cứu GPLX của Tổng cục Đường bộ VN dừng hoạt động. Website tra cứu GPLX có tên miền gplx.gov.vn của Tổng cục vẫn hoạt động bình thường và không thu phí.

Theo ông Thống, có thể đây là website của các đối tượng bán GPLX giả lập ra. Khi người mua truy cập vào website của họ tin tưởng rằng đó là GPLX thật và có trên cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, ông Thống cũng cho biết, các đối tượng lập ra trang tra cứu GPLX giả này cũng có thể thu tiền của người dân hoặc thu hút nhiều người xem các đối tượng được hưởng phí dịch vụ nhiều người truy cập.

"Đây là hành vi lừa đảo người dân, vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm theo quy định", ông Thống nói.

Website: gplx.gov.vn của Tổng cục Đường bộ VN giúp tra cứu dữ liệu về GPLX, tra cứu dữ liệu vi phạm của người lái xe.

Trước đó, thời gian qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều văn bản giả mạo của Bộ GTVT như hồi tháng 7 vừa qua, một văn bản giả dừng các chuyến bay nội địa do Covid-19 cũng được chia sẻ ở nhiều nơi.

Theo một số luật sư, hiện pháp luật đã có quy định xử phạt rất nghiêm minh về hành vi làm giả, lan truyền các văn bản giả mạo, trong đó, có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử hoặc tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Theo Hoàng Đan (Pháp Luật & Bạn Đọc)

 

Nổi bật