Mối tình “xì trum”
Cha mẹ đều có chiều cao bình thường nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, 40 tuổi, quê Nghệ An cao chưa tới... 1 m. Lúc bé, chị Linh thường xuyên bị lũ trẻ cùng làng đem làm trò tiêu khiển.
Lớn lên, vì nhỏ con nên chị làm gì cũng chậm và dễ mất sức hơn người khác. Gia cảnh cũng bần hàn, chị quyết định vào TP.HCM bán vé số dạo kiếm sống.
Chị Linh nhớ lại: “Những ngày mới vào Sài Gòn, do không có kinh nghiệm, tôi đã mấy lần bị đổi nhầm vé số giả. Một lần khi đang khóc nấc ở công viên vì bị giật mất gần 400 tờ vé số thì có một anh cũng lùn như tôi tới hỏi thăm. Anh động viên, mua kẹo, kể chuyện cười cho tôi vui và nín khóc. Sau lần đó mỗi khi buồn tôi lại ra công viên. Và như một phép màu, anh lại có mặt và xoa dịu những nỗi buồn của tôi”.
Anh này tên Hồ Văn Trạng, quê H.Mỏ Cày, Bến Tre. Sau hơn một năm gặp chị Linh, anh ngỏ lời muốn dọn về ở chung. Nghe vậy, chị Linh sửng sốt bởi “Mình đã lùn, xấu, lại đau ốm triền miên, lỡ sinh con ra cũng lùn thì sao, sẽ cho nó đi học hay cũng đi bán vé số như mình, tiền đâu nuôi chúng nó…”. Hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp khiến người phụ nữ bất hạnh sợ hãi và… trốn mặt anh Trạng. Mãi sau gần một năm suy nghĩ, chị Linh mới đồng ý cưới anh.
“Hai đứa hùn tiền mua được cặp nhẫn cưới hơn 1 triệu, đó là tài sản giá trị nhất của chúng tôi. Đêm tân hôn, chúng tôi nhìn cặp nhẫn mà hạnh phúc và bắt đầu nghĩ đến những đứa con của mình”, chị Linh hạnh phúc.
Suốt thời gian có bầu đứa thứ nhất, chị chỉ ước con có chiều cao bình thường. Đáng buồn, điều lo sợ đã thành hiện thực: đứa bé bị lùn. Tên con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thảo Nguyên với hy vọng nó sẽ mạnh mẽ như cây cỏ trên thảo nguyên, nhưng… Nguyên bệnh hoài.
Hồi bé tròn 1 tuổi, hai mẹ con đều bệnh. Lưng Linh đau không thể đi lại được, con thì không thở nổi vì viêm amidan. Thế là tiền gom được bao nhiêu lại đổ hết vào bệnh viện. Nhìn trước nhìn sau chẳng có gì để bán, cùng đường bí lối, hai vợ chồng quyết định đi cầm cặp nhẫn cưới được 600.000 đồng. Đóng tiền nhà hết 350.000 đồng, còn lại để dành mua thuốc cho hai mẹ con.
Anh Trạng nhìn vợ âu yếm: “Tới ngày hẹn chuộc nhẫn nhưng vẫn không có tiền nên mỗi ngày chúng tôi phải đóng 20.000 đồng tiền lãi. Oải quá, tôi bảo vợ bỏ nhẫn nhưng cổ không chịu vì đó là kỷ niệm. Vậy là mỗi ngày ráng tiết kiệm thêm mươi ngàn tới khi đủ tiền chuộc được cặp nhẫn về. Lúc đó, chúng tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đi cầm nhẫn nữa”.
Mơ ước nhỏ nhoi…
Căn phòng vợ chồng chị Linh thuê trọ không có gì giá trị đến 1 triệu đồng. Tủ sắt đựng quần áo nhặt lại từ 14 năm trước của người ở trọ cũ. Trong tủ chỉ có mấy bộ quần áo cũ do một chị người lùn khác cho. Khi tôi vừa chạm tay vào cánh cửa thì bất ngờ nó rơi rầm xuống.
Thấy người lạ đến nhà chị Linh, mấy người hàng xóm cũng ghé vào hóng chuyện. Bà Hồ Thị Thắm kể: “Nhiều lần thấy Linh bị giật vé số, hết vốn mà cũng không vay mượn được ai, chúng tôi cũng không giúp được gì nhiều nên bảo hay là vợ chồng đi xin ăn. Nhưng nó kiên quyết không chịu rồi nói: Nhiều người còn bất hạnh hơn mà họ không đi xin, mình lành lặn đi xin thì kỳ lắm”.
Một năm trước, chị Linh chuyển sang bán kẹo vì bán vé số bị giật nhiều quá, mất vốn. “Thấy tôi cực khổ, bé Nguyên lúc đó đang học lớp 4 cũng xin đi bán, bất đắc dĩ tôi phải dẫn con theo. Đi bán được một tuần thì con bé bị cảm, sốt cao rồi mê sảng... Thương con quá tôi lại khóc. Con bé lau nước mắt cho tôi, bảo con biết mẹ khổ nên phụ mẹ, con khỏi ốm rồi mẹ đừng khóc nữa. Thương con đứt ruột nhưng cũng không biết làm sao, lau nước mắt đợi con khỏi bệnh, hai mẹ con lại lên đường…”, chị Linh sụt sùi.
Để Nguyên có chị có em, chị Linh sinh thêm một cậu con trai. May mắn đứa bé phát triển chiều cao bình thường. Hiện tại, những ngày Nguyên đi học, chị Linh cho con bán khoảng 1 tiếng ở khu vực gần phòng trọ, cuối tuần bán lâu hơn. Ngoài thời gian học ở trường, chị Linh còn cho con đi học thêm vì lớp 5 có nhiều bài toán khó, chị không dạy con được. Chị kể, thằng nhỏ học mẫu giáo hết 2 triệu đồng/tháng, con bé học thêm 1 triệu, 3 triệu tiền nhà, tổng là 6 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn.
Con ngày càng học lên cao mà sức khỏe chị ngày càng yếu. Cả nhà không có thu nhập gì ngoài bán dạo vé số và kẹo chewing gum. Mấy hôm nay chị lại bị chứng đau lưng hành nên di chuyển rất khó khăn. Chị mơ ước có một
tiệm tạp hóa nhỏ để đỡ vất vả lúc trái gió trở trời, nhưng chưa nói xong chị Linh lại tự lắc đầu: “Chỉ là mơ thôi chứ giờ ăn còn chạy từng bữa thì tiền đâu…”.
Hôm chúng tôi đến, nhà chị Linh không ăn cơm vì bé Thảo Nguyên bảo thèm ăn bún xào. Chiều con, chị đi chợ mua 8.000 đồng gan heo được 4 lạng với 3.000 đồng rau cải về xào với bún khô được một nồi to để cả nhà ăn nguyên ngày. Ăn xong, anh Trạng lấy bịch thuốc vừa mua hồi sáng, soạn một vốc cho chị uống. Chị Linh vừa ôm hôn đứa con nhỏ vừa nói: “Đời này mừng nhất là có hai đứa con. Dù khổ tới đâu tôi cũng vượt qua được”.
Lùn không phải là một dạng khuyết tật
Theo bác sĩ Trần Quang Nam (chuyên khoa nội tiết, Bệnh viện ĐH Y Dược, TP.HCM), những người lùn bất thường (dưới 1 m) là do yếu tố di truyền hoặc bị rối loạn về nội tiết, gien… Nhìn chung họ có nhiều khả năng bị rối loạn tim mạch và hô hấp. Khả năng lao động cũng bị hạn chế như không thể mang vác, đi lại chậm chạp và dễ mất sức…
Trong khi hiện tại những người khuyết tật tùy theo tình trạng sẽ được trợ cấp hằng tháng từ 270.000 - 675.000 đồng thì những người lùn không thuộc diện được trợ cấp.
Ông Võ Minh Hoàng, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết lùn không phải là một dạng khuyết tật mà do cơ xương khớp bị ngắn lại chứ không ảnh hưởng đến tất cả sinh hoạt của cá nhân đó. Chỉ khi nào chân bị khoèo, cong, hoặc chân cao chân thấp chẳng hạn thì người ta sẽ xét mức độ khuyết tật về vận động khó khăn.
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên Online)