Tuổi thơ của những đứa trẻ trong gia đình buôn tơ lụa giàu nức tiếng phố Hàng Đào
Phố Hàng Đào từ thời Pháp thuộc từng được ví là khu phố buôn bán sầm uất, nổi tiếng nhất nhì đất Hà thành. Tuy chỉ dài 260m nhưng nơi đây vẫn luôn là mảnh đất nhuốm đầy màu sắc của thập niên những năm 40.
Gia đình vốn làm tơ lụa từ những ngày đầu hình thành con phố hàng Đào sầm uất, cuộc sống của anh em nhà ông Nguyễn Thái An (SN 1943) thời kỳ đó hết sức sung túc. Bố mẹ mua được mấy căn nhà phố cổ và cả ô tô, hễ đi đâu cũng có xe đưa rước. Từ khi còn nhỏ, mỗi anh em đều có một bà vú chăm sóc riêng. Lên 3 - 4 tuổi, bố mẹ ông An mời những giáo viên giỏi nhất đất Hà Thành về dạy chữ - nhạc - họa - võ cho các con.
Đến tuổi đi học, ông An được theo học trường tốt nhất mỗi ngày đều có xe riêng đưa đi đón về chu đáo. "Cả phố hàng Đào cũng một nghiệp vụ buôn bán, mỗi người mỗi nhà có thể có cách làm ăn khác nhau nhưng tựu chung lại, cuộc sống khi đó rất khấm khá. Các cụ làm giàu bằng trí tuệ, công sức và kinh nghiệm nên con cháu may mắn được hưởng. Ngoài căn nhà này thì việc tậu thêm những căn khác là điều đương nhiên!".
Ngày xưa gia đình ông An chỉ dám ở 1 tầng, 2 tầng còn lại dành để chất đầy tơ lụa phục vụ việc buôn bán. Vì nhu cầu ngày một tăng cao, nhà ông thậm chí còn phải thuê thêm 40 - 50 nhân công ngày đêm tăng gia sản xuất để kịp có quần áo đưa đi xuất khẩu các nước láng giềng.
Đến bây giờ, ông An vẫn chưa hề có ý định tu sửa lại "cơ ngơi" đã tồn tại hơn 50 năm. Ông bảo, mọi thứ cứ để nó nguyên thủy, thô sơ như những ngày xưa thơ ấu. Gia đình có 10 anh chị em nhưng chỉ còn mỗi vợ chồng ông An và người em gái sống trong căn nhà rộng chừng 200 mét vuông này.
Phía trước căn nhà là cửa hàng quần áo làm nên thương hiệu của phố Hàng Đào. Xin phép đi sâu vào trong, chỉ cách nhau một cánh cửa trắng thôi, bỏ lại đằng sau tiếng nói cười của phố thị là một "nốt trầm" của Hà Nội xưa. Màu xanh lá đặc trưng của những ô cửa, tường nhà được quét vôi vàng,... Sự hòa quyện của những mảng miếng màu sắc như tôn lên vẻ đẹp của một trong những căn nhà mang kiến trúc thời Pháp thuộc.
Được xây dựng kiểu bám theo mặt phố tiện lợi cho việc buôn bán, ngôi nhà mang bố cục hình ống, chia thành nhiều lớp lang và được lấy sáng tự nhiên bằng giếng trời sâu hút tầm mắt. Căn nhà chia làm 3 tầng, mỗi tầng đều có góc hành lang nhỏ nối giữa hai dãy nhà với nhau, nhuốm màu rêu phong. Nét kiến trúc gần như "cũ" như thời mới được dựng nên khiến nhiều người lần đầu tới thăm phải trầm trồ.
"Căn nhà cũng gần 50 năm tuổi, mọi vật dụng có khi còn "lớn" tuổi hơn nữa. Dù con cái, anh em nhiều lần gợi ý tu sửa nhà cửa nhưng tôi không muốn. Đây là nét văn hóa của người dân phố cổ xưa mà tôi đang cố gắng lưu giữ", ông An chia sẻ.
"Từ ngày bố mẹ qua đời, đồ dùng cá nhân và quần áo của họ tôi đều giữ nguyên"
Với lấy chiếc chìa khóa cũ kỹ, ông An mở cửa căn phòng nhỏ ở tầng 2. Dường như cả căn nhà này, phòng nào cũng có những nét đẹp nguyên thủy rất riêng. Và đằng sau mỗi cánh cửa tưởng chừng như cả một không gian của thập niên 40 đang sẵn sàng "cuốn" người ta vào dòng hoài niệm.
Dù tất cả đều đã nhuốm bụi đời và bụi thời gian, nhưng mọi thứ đều được ông An rất trân trọng. Từ manh áo ấm màu xanh đến từng chiếc rổ rá, bàn ghế từ xa xưa nếu không hỏng hóc cũng nhuốm đầy mạng nhện.
Ngày bố mẹ qua đời, bao nhiêu đồ dùng cá nhân, quần áo tôi đều giữ nguyên", ông An vừa tâm sự vừa mời chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế đã trăm tuổi nhiều chỗ chắp vá lung tung.
Nhớ về một thời quá vãng, người đàn ông hơn 70 tuổi thỉnh thoảng lại trầm ngâm, ngân nga đôi ba câu hát xưa.
"Câu chuyện của ngày xưa là bức tranh cả con phố hàng Đào kinh doanh lụa, đi đâu cũng tràn ngập hàng xuất khẩu từ các nước lân cận. Nhưng bây giờ, sự ồn ào hối hả lắm khi vô tình làm "tổn thương" nét đẹp xưa.
Mai này, nếu tôi qua đời và căn nhà buộc phải "biến mất" thì quãng thời gian trước đó, tôi cũng mãn nguyện vì đã cố gắng hết sức mình!".
Theo Minh Nhân - Ảnh Tuấn Phạm (Trí Thức Trẻ)