“Con rất lanh lợi, giờ nằm đó không tỉnh”
Phản ánh với VietNamNet, anh Nguyễn Minh Vương (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết con trai anh là bé N.H.T (2021) nhập viện vào Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM với triệu chứng khó thở, thở rít. Sau khi điều trị bằng thuốc không cải thiện, các bác sĩ tư vấn cần mở khí quản cho bé. Anh ký giấy đồng ý thực hiện thủ thuật này tại Khoa Tai mũi họng ngày 9/2. Sau khi mở khí quản, bé tươi tỉnh.
Theo người đàn ông này, trong quá trình đùa với mẹ, sợi chỉ ở ống đặt khí quản tuột ra, con bị tím tái khoảng 5-10 phút. Bác sĩ đã gây mê cho bé T. và đặt lại ống thành công. Bé hồng hào và tỉnh táo trở lại.
Do đó, khi bác sĩ tư vấn chuyển con xuống Khoa Hồi sức ngoại vì có nhân viên y tế và camera theo dõi 24/24, anh Vương đồng ý. Bệnh nhi này được y bác sĩ chăm sóc hoàn toàn, phụ huynh chỉ được gọi khi cần thiết.
Hơn 7h sáng ngày 10/2, anh Vương và vợ được gọi xuống phòng cấp cứu, Khoa Hồi sức ngoại.
“Tôi hoảng loạn, không biết chuyện gì xảy ra, chỉ thấy rất đông bác sĩ đứng quanh con để cấp cứu. Con bị phù hết mặt. Nghe bác sĩ nói sợi dây bị tuột ra và con gặp nguy hiểm. Lúc đó chỉ mong tai qua nạn khỏi, tôi ký giấy để bác sĩ cứu con”, anh Vương nói.
Sau cấp cứu, trẻ giữ được tính mạng nhưng tổn thương não. Đến nay, bé T. vẫn chưa tỉnh và đang điều trị tại Khoa Nhiễm thần kinh.
“Hơn một tháng sau khi cấp cứu, các bác sĩ Khoa Hồi sức Ngoại không có sự quan tâm hay giải thích về sự việc của con tôi”, cha bệnh nhi bày tỏ. Theo anh Vương, con anh được chẩn đoán “chết não” do thiếu oxy kéo dài, khó phục hồi.
“Con tôi khi vào viện vẫn vui đùa, lanh lợi. Giờ đây nó nằm đó, chết não, chỉ chờ vào phép màu. Người làm cha làm mẹ nào không đau xót?”, anh Vương nói.
Bác sĩ mâu thuẫn khi giải thích bệnh?
Băn khoăn hơn một tháng, anh Vương tìm bác sĩ Khoa Hồi sức ngoại để hỏi lý do con phải cấp cứu và bị tổn thương não.
Trong ghi âm cuộc trò chuyện, bác sĩ C. cho biết khoảng 7h14p ngày 10/2, bé T. thức giấc, sợi dây ở vị trí mở khí quản tuột ra. Bác sĩ trực phát hiện ngay nhưng gắn lại không thành công. Các bác sĩ của viện lập tức được huy động xuống xử trí. Do không tiếp cận được đường thở nên bé bị thiếu oxy, cơ thể phù do tràn khí dưới da.
Cũng trong ghi âm, anh Vương cho rằng bác sĩ C. giải thích không thỏa đáng và thái độ không đúng với phụ huynh nên sẽ có đơn khiếu nại. Anh cũng nghi vấn nhân viên y tế không theo sát tình hình bệnh nhi. Bác sĩ C. trả lời: “Anh cứ làm, chúng tôi không làm gì sai. Anh không tin lời tôi nói thì thôi, tôi không nói láo”.
Theo anh Vương, cách trả lời bác sĩ C. đã không quan tâm đến tâm trạng của phụ huynh bệnh nhi, nhất là một bệnh nhi bị tổn thương não gần như vĩnh viễn. Bên cạnh đó, lời nói còn mang tính thách thức.
“Tôi đề nghị làm rõ tại sao con tôi phải cấp cứu ngày 10/2 trong khi đây là khoa theo dõi 24/24? Liệu bé có bị bỏ bê, xử trí chậm trễ hay không để dẫn đến việc con bị thiếu oxy não trầm trọng. Vì trước đó, con cũng bị rơi ống một lần, tím tái khoảng 5-10 phút nhưng bác sĩ nối lại thành công và tươi tỉnh. Thứ hai, tôi đề nghị được trích xuất camera thời điểm xảy ra sự việc. Thứ 3, bệnh tình của bé và khả năng phục hồi của bé ra sao”, anh nói.
Bệnh nhi diễn biến nặng ngay từ đầu?
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, xác nhận sự việc của bệnh nhi N.H.T. Ông cho biết bệnh viện sẽ làm việc và có nhắc nhở về vấn đề giao tiếp, trao đổi, giải thích bệnh giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyên cũng bày tỏ sự chia sẻ với cha mẹ bé T. trong tình cảnh hiện tại. “Chúng tôi đã gặp, lắng nghe và giải thích những băn khoăn của gia đình bé T. vào tuần trước (ngày 21/3). Việc này không phải để phân định đúng sai mà mong hai bên dành những gì tốt nhất cho cháu. Người đau lòng nhất vẫn là cha mẹ. Chúng tôi đang tập trung tất cả phương tiện, máy móc, thuốc men tốt nhất cho bé T. và mong con sẽ có cải thiện”, ông nói.
Về chuyên môn, bác sĩ Nguyên cho biết bé T. điều trị 39 ngày tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1) do viêm phổi, có thở máy, điều trị di chứng thần kinh. Trẻ về nhà nhưng nhập viện lại vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10) vì thở rít.
Sau khi nỗ lực điều trị bằng thuốc nhưng không cải thiện, bác sĩ chỉ định mở khí quản cho bé vào ngày 9/2. Đến tối cùng ngày, trẻ bị tím tái. Việc tím tái có nhiều nguyên nhân như tuột ống cũng như diễn tiến nặng của bệnh. Bé được đưa vào phòng phẫu thuật, gây mê, xử trí thành công.
“Mặc dù nhìn bên ngoài, con hồng hào trở lại nhưng bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh vẫn còn nặng nên hội chẩn và chuyển đến Khoa Hồi sức ngoại”, bác sĩ Nguyên nói.
Sáng hôm sau, trẻ tím tái lần hai. Các bác sĩ cấp cứu, hút đờm nhớt nhưng trẻ bị co thắt nên việc đặt lại canule rất khó khăn. Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, Tai mũi họng được huy động khẩn cấp xử trí, nỗ lực cứu trẻ. Trẻ hồng hào, thoát tử vong nhưng đến nay vẫn chưa tỉnh.
Lý giải việc không cung cấp cho gia đình hình ảnh từ camera, bác sĩ Nguyên cho biết thời điểm phụ huynh phản ánh là hơn một tháng xảy ra sự việc. Hệ thống camera của bệnh viện lưu trữ trong 30 ngày nên không còn dữ liệu ngày 10/2.
“Tuy nhiên, thời điểm bé tím tái là 7h15, đây là lúc bác sĩ đi kiểm tra tất cả bệnh nhi trong khoa, rất đông nhân viên y tế có mặt nên sẽ không xảy ra chuyện bỏ bê trẻ. Mối quan tâm lớn nhất và chúng tôi đang làm lúc này là tập trung mọi thứ để bé T. phục hồi”, bác sĩ Nguyên nói.
Thân nhân và bệnh viện không tìm được tiếng nói chung
Sáng 29/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã có buổi gặp gỡ anh Nguyễn Minh Vương, cha của bé T. sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn bệnh viện.
Trao đổi với VietNamNet, anh Vương cho biết anh không đồng thuận với kết luận và lý giải của Bệnh viện Nhi đồng 1. Đây cũng là lần gặp mặt thứ 3 giữa hai bên.
Đến nay, bé T. vẫn đang thở máy, được sử dụng thuốc điều trị viêm phổi, thuốc chống co gồng, tập vật lý trị liệu tại Khoa Nhiễm thần kinh.
Theo Linh Giao (VietNamNet)