Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này'

28/08/2021 08:06:49

25 ngày, 10 thành viên trong gia đình Hợi cùng dìu nhau tự "chiến đấu" với Covid-19. Sau những ngày đầu bị virus "hành hạ", tất cả dần phục hồi, lần lượt âm tính với SARS-CoV-2, chỉ duy nhất một người trở nặng, khó thở, nhưng cũng đã chiến thắng bệnh tật.

Phan Văn Hợi, 25 tuổi, là kĩ sư sửa chữa điện thoại tại quận Tân Phú, TP.HCM. Từ khi thành phố bùng phát dịch bệnh, anh phải nghỉ làm, chuyển về sống với gia đình anh trai tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Ngày 1/8, Hợi bất ngờ mất vị giác, trước đó anh sốt liên tục về đêm, lừ đừ uể oải, đau nhức cơ thể, nhưng chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường. Khởi phát triệu chứng đáng lo ngại, anh mua test nhanh về kiểm tra, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

"Mắc Covid-19 khiến bản thân mình rất lo lắng và hoang mang, nghĩ ngợi lung tung. Mình tìm hiểu các hội nhóm tư vấn F0 điều trị tại nhà, rồi bình tĩnh thông báo cho anh trai", Hợi kể.

Hợi chủ động tự cách ly riêng trong phòng, mọi người cũng đã tính đến phương án đưa anh đi cách ly tập trung. Do khả năng lây nhiễm rất cao, anh đặt mua thêm các bộ kit test nhanh khác cho cả nhà, thì phát hiện mọi người đều "2 vạch".

Toàn bộ 10 thành viên gồm Hợi, 2 anh trai, 1 chị dâu, 2 đứa cháu (3 và 6 tuổi), 4 người thợ may, cùng mắc Covid-19. Tám người lớn trong độ tuổi 24 đến 35. Hợi cho rằng, nguồn lây có thể do anh từng tiếp xúc với hàng xóm, từ đó khởi phát chuỗi lây nhiễm trong gia đình.

"Mọi người đều lo lắng và suy sụp tinh thần", Hợi nhớ lại, quyết định tự điều trị tại nhà là điều không mong muốn. Sau khi khai báo với y tế phường, cả gia đình quyết định bước vào "trận chiến".

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này'
Hợi cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã cùng chiến thắng Covid-19 sau 25 ngày

25 ngày, 10 thành viên dìu nhau tự "chiến đấu" với Covid-19

Triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện với từng người. 4 thợ may và chị dâu cơ thể nóng lạnh thất thường. 2 đứa trẻ sốt 39.5 độ C về đêm. Ba ngày sau, 6/10 người mất vị giác và khứu giác. Bản thân Hợi cũng bị virus "hành hạ" khiến 5 ngày liên tiếp bị sốt, cơ thể rất yếu, mất vị giác 18 ngày, nhưng vẫn cố gượng dậy chăm sóc những người yếu hơn mình.

Qua các nhóm Facebook và Zalo, Hợi tham khảo các bác sĩ về cách F0 tự điều trị, sử dụng theo toa thuốc được hướng dẫn, như thuốc hạ sốt, bù điện giải,... Anh hướng dẫn cả nhà ăn uống, tắm rửa bằng nước ấm, uống càng nhiều nước càng tốt. Họ cùng rửa mũi, khò họng nhiều lần trong ngày, xông 2 lần mỗi ngày, bổ sung vitamin C đúng liều lượng.

Đến ngày thứ 13, 5 người test lại đã âm tính với SARS-CoV-2. Ngày thứ 15, thêm 4 người nữa âm tính.

Chỉ còn duy nhất người anh trai thứ 3, 35 tuổi, bị khó thở nhiều, dù trước đó hoàn toàn ổn định từ ngày đầu khởi bệnh đến ngày thứ 5. Bước qua ngày thứ 6 đến ngày 12, anh tiến triển nặng, tím tái vì thiếu oxy, khó thở, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) nhảy liên tục từ 94% xuống 91, 89%.

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 1
Giá trị SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%, nếu giảm xuống dưới 95% là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy

Hợi tìm hiểu trên nhóm F0 tự điều trị, được mọi người hướng dẫn F0 tập thở nằm sấp. Người anh trai làm theo, cải thiện được phần nào. Nhưng nhiều lúc ho nhiều, không thở nổi, gia đình cảm thấy lo lắng, cứ sợ nửa đêm nếu không thở được sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Các thành viên còn lại dự tính đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất cấp cứu, nhưng sợ rằng không có người thân bên cạnh chăm sóc sẽ khiến tình trạng thêm nghiêm trọng. Hợi liên hệ với một người sếp, mượn được máy tạo oxy dự trữ sẵn trong nhà, giúp tinh thần người anh ổn định hơn.

"Mình cố giúp anh lau người, pha thuốc hạ sốt kịp thời, đưa oxy những khi khó thở. Lúc này, các nhóm cơ chân tay của anh vô cùng mệt mỏi, mồm miệng luôn rơi vào tình trạng mơ sảng. Đây là lúc F0 cần người hỗ trợ cử động chân tay để máu huyết lưu thông", Hợi nói.

Theo anh, F0 cần người chăm sóc, đặc biệt những ngày "đánh vật" với virus, như hỗ trợ chất dinh dưỡng vì cơ miệng của F0 không muốn cử động, mất vị giác nên không muốn ăn bất cứ thứ gì.

"Nhưng F0 phải ăn bằng mọi cách thì mới có sức chống chọi với bệnh tật!", Hợi nhấn mạnh.

Nếu vượt qua được những ngày đỉnh điểm, F0 sẽ dần ổn định và âm tính trở lại. Gắng gượng đến ngày thứ 13, anh trai của Hợi hồi phục được 80%, khỏe hơn và tiến triển dần, đến ngày 23 thì âm tính với SARS-CoV-2.

Qua 25 ngày "chiến đấu" với virus, cả 10 thành viên đều âm tính.

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 2

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 3

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 4

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 5
Dinh dưỡng vô cùng quan trọng để tăng sức đề kháng, Hợi khuyên các F0 dù mệt mỏi, vẫn nên cố gắng nhai và nuốt. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung thêm nước cam ép, vitamin C

"Tuyệt đối không để F0 một mình"

Hợi vừa tự cứu bản thân, vừa là bác sĩ cho cả gia đình, đã cùng dìu nhau đi qua những cơn nguy kịch để cố gắng phục hồi. Anh nói muốn chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa năng lượng tích cực, lạc quan đến những F0 khác đang tự điều trị tại nhà.

Theo Hợi, điều quan trọng nhất, là hãy luôn bình tĩnh, đừng lo lắng mà sa sút tinh thần. F0 có thể cầm điện thoại vừa xem phim, coi hài kịch, vừa chơi game, tránh những thông tin tiêu cực.

F0 hãy cố gắng ăn uống dù virus khiến bản thân mất vị giác. Thức ăn đưa vào miệng tuy như rơm rạ, nhưng sẽ giúp cơ thể có nhiều sức đề kháng. Ngoài ra, hãy vận động nhẹ nhàng, tập thở, uống nhiều nước (ưu tiên nước ấm, nóng) hoặc nước gừng, nước chanh và ngủ đủ giấc.

"Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể chống lại nguy cơ sốt quá cao gây mất nước. F0 có thể pha nước cam ép, hoặc viên sủi để uống riêng, tăng cường đề kháng", Hợi nói.

Nhà ở phải thoáng, có ánh mặt trời càng tốt, khử khuẩn thường xuyên nhà vệ sinh, các vật dụng gia đình, tay nắm cửa. F0 nên đeo khẩu trang 24/24, súc họng khò mũi bằng nước muối càng nhiều càng tốt, lưu ý 2 thời điểm thức dậy và trước khi đi ngủ. F0 cũng có thể nấu nồi xông, với các nguyên liệu chanh, gừng, sả.

F0 cần theo dõi chỉ số SpO2 mỗi ngày, nếu xuất hiện tình trạng ho, mệt mỏi, khó thở, thì hãy nằm sấp và tập thở để cải thiện oxy. "Anh mình đã áp dụng phương pháp này giúp duy trì nồng độ oxy trong máu rất tốt", Hợi chia sẻ.

Nếu tình trạng không thuyên giảm, thì cần liên hệ ngay với cấp cứu 115 hoặc đưa F0 đến bệnh viện gần nhất nếu trong nhà không có bình oxy. Riêng với những người già, hoặc có bệnh nền, tốt nhất nên vào bệnh viện, để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị.

"Giai đoạn mất vị giác khiến mình biếng ăn, dẫn đến suy nhược, đuối sức. F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này. Còn khi bị sốt, mình uể oải và mệt mỏi, gắng gượng đi lại trong phòng, quơ tay chân cho máu lưu thông. Đừng nằm yên 1 chỗ, bệnh này nằm lì là... nằm luôn", Hợi nói.

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 6

Gia đình 10 người ở TP.HCM nhiễm Covid-19 và 25 ngày bước qua “cửa tử” tại nhà: 'F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này' - 7
Trong nhà Hợi đã dự trữ sẵn một máy tạo oxy, đề phòng trường hợp có người trở nặng, cần tăng cường oxy

Theo anh, không được để F0 một mình, rất dễ đẩy họ vào tình huống nguy kịch. Họ cần được hỗ trợ ăn uống, vệ sinh, nếu không kịp thời sẽ khó vượt qua, đặc biệt những F0 lớn tuổi. F0 được người thân chăm sóc tốt, hoàn toàn có cơ hội hồi phục nhanh.

Nếu cả gia đình không may mắc Covid-19, đừng đùn đẩy trách nhiệm hay chỉ trích máy móc về nguồn lây. "Mắc bệnh, điều đầu tiên là học cách chấp nhận và sau đó tìm phương án "đối phó" với virus. Chửi bới không giúp được gì, chỉ làm xuống tinh thần người bệnh", Hợi nói.

Quan trọng nữa, không nên kì thị F0, vì hơn lúc nào hết, tinh thần cần được bảo vệ hơn sức khỏe. An ủi, động viên, quan tâm và thường xuyên quan sát, hỏi thăm, sẽ là động lực giúp F0 sớm chiến thắng bệnh tật.

""Sinh có hạn, tử bất kỳ", hãy trân quý sinh mệnh của chính mình và cảnh giác, bảo vệ bản thân và gia đình. Đừng chủ quan vì xung quanh chúng ta luôn có F0, F1. Và hãy nhớ tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế", Hợi hi vọng các F0 tự điều trị tại nhà sẽ biết cách tự cứu chính mình, lạc quan và sớm cán đích "một vạch" thuận lợi.

Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật