'Giá đắt' cho cán bộ ứng xử lệch chuẩn

15/12/2022 09:43:44

Đã có nhiều cán bộ bị giáng chức, cho ra khỏi ngành vì có hành vi xâm hại sức khỏe người khác và những ngày này dư luận đang "dậy sóng" vụ một đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam có hành vi đánh nhân viên sân golf.

Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc thì ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhận sai, gửi lời xin lỗi đến Thường trực HĐND tỉnh và cá nhân chị L., cùng ban quản lý sân golf nơi xảy ra sự việc. Ông Dũng nhận trách nhiệm về hành động của mình và xin “nhận mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật…”.

Dù vậy, hành vi hành hung caddie đã khiến vị đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam “mất điểm” trước công chúng và dư luận đặt dấu hỏi “cán bộ đang lạm quyền”?

'Giá đắt' cho cán bộ ứng xử lệch chuẩn
Nhân viên sân golf bị ông Nguyễn Viết Dũng đánh gây xôn xao dư luận những ngày qua. Ảnh: S.X

Thực tế, đã có cán bộ bị giáng chức, vì có hành vi “xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ”; cũng có người xin ra khỏi ngành vì có lời lẽ thoá mạ nhân viên hàng không, gần nhất là một phó phòng bị kỷ luật khiển trách vì cho người đến đánh nhân viên, đập quán…

Cụ thể, cách đây hơn 2 tháng, Phó trưởng phòng Quản lý và phát triển quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất  (Sở TN&MT Đà Nẵng), ném tiền và dọa dẫm tại quán bún trên địa bàn. Sau đó, người đàn ông trên gọi một nhóm khoảng 7 người đến quán ăn đe dọa. Có một người trong nhóm này đánh nhân viên, đòi đập quán. Cán bộ này bị kỷ luật khiển trách sau đó.

Cũng ở Đà Nẵng vào tháng 8/2021, ông Trần Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đà Nẵng bị giáng chức, vì có hành vi “xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ”. Ông Vinh có hành động “dùng tay tác động vào mặt” nhân viên y tế khi đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

'Giá đắt' cho cán bộ ứng xử lệch chuẩn - 1
Cách đây hơn 2 tháng, Phó trưởng phòng Quản lý và phát triển quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Đà Nẵng), ném tiền và dọa dẫm tại quán bún. Ảnh: Cắt từ clip

Một sự việc khác khiến dư luận đặc biệt quan tâm, tháng 8/2019, bà Lê Thị Hiền là cán bộ đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh quận Đống Đa, TP Hà Nội, có lời lẽ thoá mạ nhân viên hàng không, chống người thi hành công vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Vụ việc khiến người dân phẫn nộ khi một cán bộ trong ngành Cảnh sát giao thông hành xử không đúng với cương vị mình đang nắm giữ. Hậu quả, nữ Đại úy bị giáng cấp hàm xuống Trung úy, bà Hiền sau đó viết đơn xin ra khỏi ngành công an. Công an quận Đống Đa đã kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với bà Hiền.

Cuối tháng 8 vừa qua, dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi thông tin ông Lê Trọng Nhạc, kiểm soát viên đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đánh bạn gái nhập viện…

Sau đó, Nhạc đã bị Công an TP Thanh Hóa khởi tố để điều tra tội “cố ý gây thương tích”.

Những hành động trên đều phải nhận hậu quả thích đáng: người xuống chức, người bị kỷ luật, người bị khởi tố, nhưng quan trọng nhất là lòng tin của người dân dành cho những người này sẽ giảm, thậm chí không còn.

Đây là bài học cho cán bộ nói chung trong ứng xử xã hội thường ngày. Bởi ứng xử lệch chuẩn, làn sóng dư luận sẽ đeo đẳng ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, gia đình và tổ chức nơi cán bộ công tác...

Theo Công Sáng - Nguyễn Hiền (VietNamNet)