Hiệp sĩ đường phố Trần Văn Hoàng (trái) cùng đồng đội trong một lần bắt cướp. |
Khó khăn chồng chất khó khăn
Vẫn là những nụ cười hồn hậu pha chút hài hước và giọng nói ân cần đầy quan tâm nhưng ẩn sâu trong đôi mắt của người đàn ông ấy giờ đã hiện rõ những quầng thâm nặng trĩu âu lo.
Rời bỏ đất võ Bình Định, cả gia đình chú Hoàng dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau gần 30 năm cuộc sống của họ cũng không khá hơn là mấy.
Một phòng trọ chưa đầy 9m2 vừa là nơi chứa hàng vừa là chỗ nghỉ ngơi của hai vợ chồng và cậu con trai. Chén cơm của cả gia đình đều phụ thuộc vào những đồng tiền bán mũ bảo hiểm của người vợ là cô Trương Thị Xí.
Cô cho biết: Sở dĩ cô chọn lấy trách nhiệm nặng nhọc này là vì để chồng có thêm thời gian “hành hiệp trượng nghĩa”, giúp ích cho đời.
Mang theo một ít võ phòng thân từ quê hương Bình Định tính đến nay cũng đã gần 30 năm thì hết 20 năm chú Hoàng làm công việc bắt cướp. Mỗi ngày chú cố gắng chạy vài cuốc xe ôm để có tiền đổ xăng và đỡ đần cho vợ rồi lại rong rủi khắp các ngóc ngách để giúp đỡ những người bị nạn.
Chỉ với một chiếc xe Wave cũ và một cây gậy tự chế vậy mà những tên tội phạm cướp giật bị bắt dưới tay chú nhiều đến nổi chú không nhớ hết. Cũng từ đó, chú Hoàng được nhiều người biết đến và quý trọng gọi là “hiệp sĩ đường phố”. Ngoài ra, chú còn nhận rất nhiều giải thưởng từ cấp quận và thành phố. Chú còn được vinh danh “Gương sáng phố phường” toàn thành năm 2014.
Ngoài 50 tuổi, thành tích nhiều là thế nhưng ít ai biết số nợ mà chú phải gánh đến nay đã lên đến con số gần 60 triệu đồng.
Thương chồng. Mùa mưa cô Xí lại đi bán áo mưa dạo để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Cách đây gần một tuần, sau một tai nạn giao thông cô Xí đã phải mổ mắt vì chấn thương quá nặng. Kể từ hôm đó, ban ngày chú Hoàng thay vợ bán hàng, ban đêm lại tiếp tục đeo đuổi công việc mình yêu thích.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng khi được hỏi tại sao lúc nào cũng thấy chú lạc quan. Chú cười phá lên và trả lời như đùa, như thật: “Chỉ cần bắt được cướp là chú vui rồi”.
Chú Trần Văn Hoàng khống chế nghi can cướp giật |
Nghề là… nghiệp
Ngần ấy năm xả thân làm việc nghĩa cứ ngỡ niềm tự hào của chú Hoàng chính là những tờ giấy công nhận, những tấm bằng khen. Nhưng hạnh phúc của chú chỉ đơn giản là có được 6 người cộng sự cùng chung chí hướng trong nhóm hiệp sĩ Hồ Chí Minh.
Theo lời kể của chú Hoàng, những thành viên trong nhóm của chú có người làm nghề sửa xe, có người phụ quán cơm, có người làm nhân viên đưa thư nhưng cứ hễ có thời gian rãnh là lại cùng nhau đi tuần tra khắp mọi nẻo đường. Chính tấm lòng trượng nghĩa của những người cộng sự ấy đã tiếp thêm sức mạnh để chú Hoàng có thêm động lực vượt qua khó khăn và bước tiếp con đường mình đã chọn.
“Có bao giờ chú có ý định giải nghệ ?”. “Là một người đàn ông trong gia đình mà đến một mái nhà che nắng che mưa cho vợ con chú cũng không làm được, có lúc nản chí chú đã định từ bỏ. Nhưng vốn cái nghề là cái nghiệp, chú không thể từ bỏ khi mà các thành viên trong nhóm của chú còn nặng gánh cơm, áo gạo, tiền, không thể để vợ con họ cũng phải chịu thiệt thòi như vợ con chú”.
Nói rồi người hiệp sĩ ấy cười hiền như để trút hết mọi phiền não luôn quẩn quanh bên cuộc sống của gia đình chú.
Cô Trương Thị Xí, bị tai nạn phải mổ mắt bỏ dở việc bán nón bảo hiểm phụ chồng |
Xuống tóc cầu nguyện bình an cho chồng
Ai đó đã nói: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của một người phụ nữ”. Thật vậy, hơn 25 năm hành nghề bất kì bất trắc gì chú Hoàng đã từng trải qua, gặp tai nạn trong lúc bắt cướp, bị hăm dọa và thậm chí là bị trả thù, nhưng dù hiểm nguy đến đâu vẫn không đánh gục nổi ý chí của người đàn ông can trường ấy.
Vậy thì từ đâu chú Hoàng có được một tinh thần thép như vậy? Cô Xí kể lại, có lần kẻ thù đến tận chỗ buôn bán của vợ chồng cô, dùng mã tấu chém thẳng vào người chú Hoàng nhưng may mắn chú tránh kịp nên chỉ trúng vào vai. Một lần khác, trong lúc đuổi theo đối tượng chú còn bị té nặng đến mức nứt cả xương sườn, đến nay cứ mỗi khi trái gió trở trời vết thương lại đau nhói.
Tiền xăng, tiền sửa xe, tiền thuốc thang bệnh viện, mỗi thứ một chút khiến mỗi ngày món nợ của gia dình chú ngày một tăng. Quá thương chồng nhưng cô Xí hiểu rõ không thể ngăn được niềm đam mê của chồng. Vì vậy cô quyết định dùng tình yêu để ủng hộ chồng.
Điều duy nhất cô có thể làm cho chú đó là bỏ đi mái tóc dài đẹp nhất của người phụ nữ để thành tâm cầu nguyện cho chú được bình an. Cô tâm sự: “Nếu có một điều ước cô chẳng cần có nhà cao cửa rộng mà chỉ cần chú có được cái bảo hiểm nhân mạng là cô mãn nguyện rồi”.
Ngồi trò chuyện với vợ chồng chú Hoàng không lâu nhưng chốc chốc lại có người quen ghé qua có lúc cho cô chú hộp bánh, có lúc cho lốc sữa rồi lại cơm lại bún. Có lẽ cũng như chúng tôi, những người hảo tâm ấy đã bị chinh phục bởi tấm lòng nhân nghĩa của đôi vợ chồng tuổi đã xế chiều....
Ông Trần Văn Hoàng nhận bằng khen |
Chú Trần Văn Hoàng được nhận bằng khen từ chương trình Tôi người Việt Nam |
Người vợ "hy sinh" mái tóc dài đẹp nhất của người phụ nữ để thành tâm cầu nguyện cho chồng được bình an trên đường truy bắt trộm, cướp |
Theo Lê Trang (Pháp Luật TPHCM)