Hà Nội, trưa 13/6/2018, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, người nhà bệnh nhân ngồi chờ la liệt trước sảnh. Phải đúng 11h30, cánh cửa sắt mở ra, họ mới được vào thăm người thân. Nắng nóng, ẩm thấp, nét mặt ai cũng nhăn nhó vì phải đợi chờ quá lâu, suất cơm trưa mua sẵn cũng đang nguội dần.
Đúng giờ, bảo vệ tiến tới mở bung cánh cửa, một dãy phòng bệnh san sát nhau, phía trên có đề rõ: Tầng 2 - Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ nhỏ vào đây, đứa bị viêm phổi, đứa thì viêm tai giữa, mỗi bé một hoàn cảnh không giống nhau, nhưng đều chịu cái cảnh phải làm quen với thuốc men và những thiết bị y tế từ khi còn quá bé.
Chúng tôi muốn tìm cha con anh Hà Văn Ch. (SN 1990, xóm Thượng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) và bé Hà Minh C. (20 tháng tuổi). Không rõ mặt lại chẳng rõ tên của 2 cha con, chút thông tin chỉ vọn vẹn ở số tháng tuổi của bé dù cả dãy buồng bệnh phải cả trăm bé cùng 20 tháng tuổi.
Từ phía sau có người đàn ông chạc 50 tuổi lên tiếng: "Anh chị muốn tìm 2 cha con bị HIV đúng không?"...
Cả gia đình dương tính HIV, cuộc sống như sụp đổ hoàn toàn
Một căn phòng nhỏ nằm khuất phía sau dãy buồng bệnh chính. Phòng có 3 bé đang điều trị. Tất cả các em đều bị nhiễm HIV. Giường bệnh trong cùng, có đứa trẻ nhỏ đang khóc ré lên vì đau đớn, đôi môi lở loét, tay trái nhiều vết thâm đen, tay phải có ống ven được lấy sẵn, còn đôi chân thì gầy gò, tong teo. Chẳng ai nghĩ đây là hình hài của một em bé đã 20 tháng tuổi, bé C. chỉ nhỉnh hơn trẻ sơ sinh một chút. Bé không biết nói cũng chẳng biết đi, chực nằm một chỗ suốt ngày và khóc đòi bố.
"Hôm nay con đỡ nhiều rồi em ạ, mọi hôm còn khóc to nữa cơ" - anh Ch. từ buồng vệ sinh đi ra, cất lời. Anh dùng cái khăn vừa giặt sạch lau tai và mặt cho con trai. Mỗi lần anh nghiêng người con, bé C. lại khóc ré lên vì đau đớn.
Anh Ch. khá rụt rè và ngại ngùng trong cuộc trò chuyện. Anh biết bản thân mình và con trai đều bị phơi nhiễm HIV nên rất ngại nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Anh nói lí nhí vì sợ người ngoài nghe thấy. Anh đánh mắt đi chỗ khác vì buồn tủi. Chúng tôi chỉ thực sự trò chuyện với nhau khi tôi đưa tay ra nắm lấy tay anh. Khi đó, anh mới bắt đầu kể về số phận nghiệt ngã của mình.
Cách đây 3 năm, anh và chị nên duyên vợ chồng. Quê nhà ở Hoà Bình nghèo đói và đầy rẫy khó khăn, hai vợ chồng làm ruộng là chính. Khi bé C. chào đời, niềm vui vỡ oà khi anh chị đón thiên thần nhí đầu lòng - một bé trai kháu khỉnh và khoẻ mạnh. Bé có một cái tên rất hay, là cách hai vợ chồng đặt kỳ vọng vào con.
Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho đến khi con trai 2 tháng tuổi. Đứa trẻ bắt đầu có nhiều biểu hiện bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy. Kể từ ngày đó, hai vợ chồng vay mượn tiền bạc từ người thân họ hàng, thậm chí vay cả ngân hàng để đưa con chạy chữa khắp nơi. Anh chị không có sự lựa chọn nào khả thi hơn, quanh năm suốt tháng phải đi vay chỉ mong sao con khoẻ mạnh. Những chuỗi ngày đó, bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 của gia đình 3 người.
Thời điểm bé C. được 18 tháng tuổi, chị bị bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phổi nặng và kết quả xét nghiệm một loại bệnh khác còn khiến cả gia đình choáng váng hơn gấp bội lần: chị bị nhiễm HIV.
Bệnh viện khuyên gia đình nên chuyển chị lên tuyến trên ở Hà Nội để điều trị. Nhưng ngày sau, bệnh tình chuyển biến tệ, gia đình lại quá khó khăn, anh xin đưa chị về thăm nhà thăm con lần cuối trước khi ra đi. Một thời gian rất ngắn sau, chị qua đời.
Vợ mất, căn nhà nhỏ chỉ còn 2 cha con anh Ch. Một sáng nọ, anh không ra ruộng làm việc. Anh bế con lên viện làm xét nghiệm. Nỗi lo sợ và thấp thỏm lấn át suy nghĩ của người đàn ông chưa đầy 30 tuổi, tay bế đứa bé 18 tháng tuổi. Nhận kết quả trên tay, cả thế giới thêm một lần nữa sụp đổ: 2 cha con dương tính với HIV.
"Khi đó chỉ biết chấp nhận thôi" - anh Ch. thở dài.
Từ một triệu đồng dành lo hậu sự cho con đến khát khao một cuộc đời bình yên
Không biết nguồn lây bệnh từ đâu, bản thân vợ chồng anh cũng chỉ là những người nông dân suốt ngày "cắm mặt" ở ruộng. Nhưng từ ngày cả xóm đều biết nhà anh 3 người đều bị mắc căn bệnh thế kỷ, thành thử ai cũng xa lánh và kì thị. Người ta sợ lây nên ngại tiếp xúc, "né" gặp anh được lúc nào thì hay lúc đó. Cả bầu trời phía trước tối đen. Nhà không còn tiền anh Ch. cũng chẳng dám vay mượn hàng xóm. Còn mỗi một triệu đồng sau khi lo xong xuôi ma chay cho vợ, anh tính cất dành để... lo hậu sự cho con.
Thời điểm đó, bé C. bị thủng màng nhĩ, suy dinh dưỡng đáng báo động (20 tháng tuổi bé chỉ nặng 6kg), viêm phổi nặng, mọi phản xạ với ánh sáng đều không thành công. Anh giơ hai bàn tay huơ huơ trước mặt con nhưng bé cũng chẳng nhận thức được. Bé không biết đi, chỉ nằm một chỗ. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Kết quả tại viện Nhi một lần nữa khẳng định bé C. bị nhiễm HIV. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu vẫn phải chữa khỏi viêm phổi, viêm tai giữa cho bé, sau đó điều trị dinh dưỡng nâng cao thể trạng, cuối cùng mới tính đến phương án điều trị dự phòng HIV.
Bản thân anh cũng từng nghĩ tới cái chết. Số phận trước đó đã khổ, đã gian nan giờ lại càng thêm long đong. Anh thương con trai - đứa bé mới chào đời nhưng đã phải chịu cảnh nằm một chỗ chờ thuốc men mỗi ngày. Anh muốn con mình cũng như những em bé khác, chạy nhảy và vui chơi. Đặc biệt, anh mong một ngày, bé C. sẽ cất giọng, gọi anh một tiếng "Ba ơi!".
Dứt câu, anh khóc, chúng tôi ngồi kế bên cũng khóc.
Sau khoảng thời gian chìm trong những suy nghĩ miên man về cái chết, anh Ch. tự vực dậy chính mình. Bé C. chính là nguồn động lực lớn nhất đối với anh. Anh muốn cố gắng và hai cha con sẽ cùng đồng hành trên chặng đường còn rất dài trước mắt.
Đều đặn mỗi tháng, anh lại về Hoà Bình một lần để uống thuốc ARV - loại thuốc điều trị dự phòng HIV, nhằm giảm tải lượng virus. Dù biết HIV không thể chữa khỏi nhưng nếu dùng thuốc và có lối sống lành mạnh, anh và con có thể duy trì sự sống này thêm nhiều năm hơn nữa.
Giờ đây khi lạc quan hơn, anh Ch. không còn nghĩ tới cái chết, anh nghĩ về con nhiều hơn.
- "Hiện tại, anh mong ước điều gì cho mình và con trai?" - chúng tôi hỏi.
- "Tôi mong muốn con đỡ bệnh để cuộc sống 2 cha con bớt khó khăn. Mình về còn tiếp tục sống, chứ suốt ngày đi viện thế này khổ lắm. Tôi cũng ước mong con sẽ phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, không còn những đớn đau, không còn bệnh tật".
Trao đổi với báo Người đưa tin, ông Quách Công Lâm – Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng, nơi anh Ch. sinh sống cho biết, ở địa phương, anh là thanh niên hiền lành, không nghiện ngập, chơi bời, lêu lổng.
"Anh Ch. nhiễm HIV có thể do nguyên nhân khách quan nào đó. Ở địa phương gia đình anh Ch. là hộ cực nghèo, bản thân và con cái ốm đau nên bây giờ khó khăn chồng chất khó khăn", ông Lâm nói.
Mọi sự đóng góp quý độc giả có thể liên hệ theo số điện thoại của anh Ch.: 0966.971.526
Tầng 2 - Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)