Sự việc cô gái đánh rơi tiền xảy ra khoảng 11 giờ 30 phút trưa ngày 28/1, trên đoạn đường D4 thuộc phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM hiện vẫn đang gây xôn xao dư luận.
Khi đó, chị B.T (25 tuổi, quê ở tỉnh Long An) rút 30 triệu đồng mang đi trả nợ, nhưng không may đánh rơi. Chị không hề biết, vẫn chạy xe đi tiếp. Một lúc sau, người đi đường đuổi theo cho chị biết việc rơi tiền. Chị quay lại thì số tiền trên đã bị "hôi sạch".
Trên báo Thanh niên online, chị T chia sẻ, số tiền 30 triệu này chị tích góp một năm qua để mang đi trả nợ. Sau khi sự việc xảy ra, chị xin trích xuất camera từ người dân ven đường rồi liên hệ, khóc xin mọi người trả tiền, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Riêng người bán hàng gần đó chỉ trả lại chị 4 triệu đồng.
“Không thấy tiền trên đường, tôi hỏi một anh chạy xe ôm mới biết cô bán nước tại khu vực và một số người đi đường nhặt được. Tôi đến năn nỉ cô bán nước để xin lại tiền nhưng không được. Tôi khóc và định báo công an thì người này nói chỉ nhặt được 4 triệu đồng và đưa lại cho tôi”, chị T nói.
Cô gái 25 tuổi cho biết hiện bản thân đang vô cùng lo lắng, buồn bã, không dám về quê ăn Tết vì số tiền dành dụm trả nợ đã mất sạch. Phía chủ nợ đã đồng ý gia hạn cho chị sau khi biết được sự việc và kiểm chứng video trích xuất từ camera.
“Đó là số tiền tôi đi làm và tích góp trong một năm qua để trả nợ. Giờ mất tiền, tôi không biết lấy gì để trả cho bạn. Tôi mong mọi người nhặt được hãy cho lại giúp”, chị T nghẹn ngào.
Trên báo Đất Việt, B.T tâm sự, do dịch bệnh mà chị không buôn bán được. Chị T là trụ cột gia đình, là mẹ đơn thân có đứa con gái 7 tuổi, nhà lại nghèo, ở quê ra thành phố kiếm sống. Mẹ T bị bệnh trầm cảm và tiểu đường làm được bao nhiêu chỉ đủ tiền trị bệnh.
"Mình dành dụm không dám ăn không dám mặc số tiền đó nửa năm, vì năm nay dịch bệnh không làm được, toàn lỗ. Mình giờ không dám về quê ăn tết nữa, cả gia đình ở quê đang chờ mình mà không biết làm sao", chị T chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc, chiều 29/1 trên báo Đất Việt, lãnh đạo UBND phường Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM cho hay, đơn vị đã phân công lực lượng công an đến hiện trường vụ việc cô gái Bảo Trân bị rơi 30 triệu đồng ra ngoài đường nhưng nhiều người xúm lại hôi sạch.
"Đối với những người đang sinh sống trên địa bàn phường thì sẽ mời đến trụ sở làm việc, vận động trả lại tiền cho người đánh rơi, trường hợp không trả lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn những trường hợp không xác minh được danh tính trên địa bàn thì sẽ có báo gửi lên cơ quan cấp trên đề nghị giải quyết theo quy định", nguồn trên dẫn lời lãnh đạo UBND phường Tân Hưng.
Theo vị lãnh đạo, đáng lẽ khi thấy tiền rơi người dân phải chủ động thông báo sự việc cho chính quyền địa phương. Khi đã có trình báo của chủ nhân số tiền và thông báo của cơ quan chức năng thì người nhặt phải trả lại số tiền này cho người đã đánh rơi.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định trên VTC News, những người hôi của, lao vào tranh giành, nhặt hết tiền, dù người đánh rơi đã van xin nhưng vẫn không trả tiền là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Cường, pháp luật quy định bất kỳ ai khi thấy tài sản bị bỏ quên, đánh rơi, tài sản không xác định được chủ sở hữu thì người thấy tài sản phải có trách nhiệm thông báo và giao nộp tài sản đó cho chính quyền địa phương để thông báo công khai tìm chủ sở hữu tài sản để trao trả.
Người nhặt được tiền từ 10 triệu đồng trở lên, nhưng chiếm giữ không trả lại cho chủ sở hữu, sẽ bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền tới 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Theo K.N (Giadinh.net.vn)