"Mọi người đang hiểu lầm rồi"
Sáng 16/6, chúng tôi tìm đến căn nhà tập thể chật chội, chất đầy những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh và tăm tối, nằm sâu trong ngõ 52 phố Đoàn Thị Điểm, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội để gặp người mẹ trẻ và tìm hiểu sự việc.
Tiếp xúc chúng tôi là bà Trần Thị Phương – mẹ của Ngọc Anh tỏ ra vô cùng buồn bã khi biết tin mấy ngày nay trên mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện xin sữa rồi bán. Bà muốn giải thích rõ vì cho rằng nhiều người đang hiểu lầm việc làm của mẹ con bà.
Bà Phương nói:“Gia đình tôi đang vô cùng buồn và cũng có phần bức xúc trước thông tin đang bị nhiều người hiểu lầm. Họ chưa hiểu rõ hoàn cảnh và sự tình trong gia đình tôi thì đã tung lên mạng, bàn tán chuyện không đúng sự thật. Các phóng viên hoặc bất cứ ai hãy đến gia đình tôi để hiểu cho hoàn cảnh. Hai vợ chồng tôi đã về hưu nhưng vì mẹ con đứa này (Ngọc Anh - PV) và thằng út đang học lớp 10 mà phải đi làm nuôi chúng nó….”. |
Ngọc Anh 23 tuổi và hai đứa con sinh đôi |
Nói về con gái, bà Phương gọi Ngọc Anh và hai đứa trẻ ra rồi nói: “Con gái tôi đây, hai đứa cháu sinh đôi mới 2 tuổi còi cọc đây. Con gái tôi tuy bề ngoài thế này nhưng chậm chạp từ nhỏ, khi đi học mới biết nó không bình thường. Đến hết cấp hai thì nghỉ học vì không tiếp thu được nên ở nhà…”.
Ngồi kế bên con gái, người cha của Ngọc Anh buồn rầu kể lại câu chuyện con gái do chậm chạp, ít hiểu biết nên bị ăn “quả đắng” của anh con "rể hờ" và từ đó gia đình ông có thêm hai thành viên là 2 bé sinh đôi.
Người đàn ông này kể: “Từ nhỏ nó đã bị khó nuôi và cũng phải đi xin sữa, năm nay nó 23 tuổi nhưng bị thằng bảo vệ dưới kia lừa rồi mang bầu. Khi đẻ ra, hai đứa nhỏ sinh đôi một trai, một gái năm nay đã 2 tuổi cũng còi cọc vì mẹ không có sữa. Gia đình nhà người ta (bố mẹ anh bảo vệ - PV) cũng đến đây nói chuyện. Sau rồi họ biết con gái tôi chậm chạp và bỏ luôn, anh bảo vệ tầm tuổi con gái tôi, chưa có gia đình cũng mất hút từ ngày đó. Vợ chồng tôi phải nuôi cả ba mẹ con. Giờ chỉ mong có việc gì cho nó làm hoặc theo chân các nhóm từ thiện cho nó mở mang nhanh nhẹn ra thôi”. |
Ngọc Anh cho biết cô biết dùng máy tính và vào mạng xã hội do người em trai chỉ dẫn. |
Trần tình về việc xin sữa và quần áo dẫn đến câu chuyện khiến nhiều người đang bàn tán xôn xao, Ngọc Anh ngồi trên chiếc ghế trước bàn máy tính, cô nói được vài câu: “Em trai dạy cho em kiến thức vào mạng internet để dùng facebook xin sữa cho con”.
Rồi mẹ của Ngọc Anh lại đỡ lời: “Con gái tôi rao trên mạng để xin sữa, ban đầu dùng số điện thoại của nó rồi có ai gọi cho sữa thì lại bảo mẹ đi lấy. Vì nó không biết đi xe, không biết tính tiền. Còn số điện thoại mới đưa trên mạng đưa lên là của tôi dùng trực tiếp là vì từ hôm có điều tiếng nghi ngờ xin lại đi bán. Tôi bảo nó đưa số điện thoại này để ai gọi thì tôi giải thích, chứ đừng làm tổn thương gia đình tôi.”
"Xin được sữa mẹ về thì bảo quản ở tủ lạnh. Khi nào cho con uống thì hâm nóng và cho tý sữa bột vào để có mùi thơm rồi chúng quen uống thôi", bà giải thích thêm.
"Thừa thì đem giúp người khác"
Giải thích thêm có hay không việc Ngọc Anh xin sữa cho con nhỏ rồi lại đem đi bán, bà Phương cho hay: “Nói thế thì tội chết, ở hoàn cảnh này thì tôi mới biết có nhiều người cũng khó khăn như vậy. Mỗi ngày hai đứa bé nhà nó dùng hết 4 túi, đi xin về nếu được nhiều hơn thì bỏ vào tủ lạnh bảo quản. Còn việc một số người cần sữa mà tôi trực tiếp đưa đến cho, thì không như người ta đang bàn tán.
Cụ thể như một gia đình có con ở bệnh viện Nhi -Thụy Điển, thông qua trên mạng họ liên hệ để xin, tôi đem đến 15 túi, giá túi đã 45 nghìn. Họ hỏi bao nhiêu thì tôi bảo đưa tôi 50 nghìn là có cả xăng xe rồi…”. |
Bà Phương với khuôn mặt khắc khổ hàng ngày vẫn đi nhận sữa từ người giúp đỡ cho 2 cháu. |
Bà Phương nói tiếp: “Tuy vậy sữa mà con gái tôi xin được không nhiều và số người xin lại cũng không nhiều. Nếu có thì tôi chỉ tính tiền túi và mất công đưa hộ chứ không có chuyện mua bán”.
Nói rồi, bà Phương rướm nước mắt nói thêm chuyện xin quần áo về đem đi làm từ thiện vẫn bị mang tiếng: “Kể cả việc xin quần áo cho hai đứa trẻ, gia đình tôi cũng từng bị mang tiếng. Mẹ con tôi chỉ xin về lượm ra vài cái vừa vặn với hai đứa bé, thừa thì lại chuyển cho mấy nhóm chuyên đi làm từ thiện. Có những nhóm họ ở tỉnh lẻ, tôi còn mất công chở ra xe ô tô khách gửi, tiền cước xe mình còn bỏ ra nhưng không bao giờ tôi tính một đồng…”.
Theo Minh Ngọc (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)