Gia cảnh bi đát của vợ chồng sản phụ bị bỏ rơi giữa đường ở Bình Phước

20/08/2019 18:04:45

Chồng quê Thái Nguyên, vợ quê Lạng Sơn, cả hai đến Bình Phước không có miếng đất cắm dùi. Hằng ngày chồng cạo mủ cao su thuê để nuôi sống gia đình.

Ngày 20-8, ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết vợ chồng sản phụ Vy Thị Yến (SN 1987, có con chết sau khi đẻ ngoài vệ đường) và anh Ma Văn Sắc có hoàn cảnh rất khó khăn.

Ngoài bé sơ sinh vừa lọt lòng đã chết, anh chị đã có một con trai đầu lòng. Hiện anh Sắc và chị Yến dựng một cái nhà nhỏ xập xệ trên đất của người cậu của anh Sắc là ông Hoàng Văn Liêm (49 tuổi).

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Liêm cho hay anh Sắc quê Thái Nguyên. Bố mẹ anh Sắc làm nông ở quê. Anh Sắc vào Bình Phước khoảng 10 năm nay và ở với ông Liêm. Còn chị Yến quê Lạng Sơn. Hai người cưới nhau và sinh được cháu Ma Quốc Khánh vào 2 năm trước. "Đầu tháng 9 tới gia đình dự định làm sinh nhật cho cháu Quốc Khánh nhưng không ngờ em của cháu vừa ra đời đã mất. Cả nhà ai cũng héo ruột nên chắc không làm sinh nhật nữa rồi" - ông Liêm chia sẻ.

Gia cảnh bi đát của vợ chồng sản phụ bị bỏ rơi giữa đường ở Bình Phước
Vợ chồng sản phụ làm căn nhà nhỏ này ở nhờ trên đất người cậu

Ông Liêm cho biết chị Yến học đại học nhưng xin việc không được. Trước khi nghỉ dưỡng thai chị Yến làm thuê cho một xưởng hạt điều nhỏ với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Anh Sắc làm nghề cạo mũ cao su thuê, bình quân mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. "Làm nghề cạo mũ 1 năm có 9 tháng làm 3 tháng nghỉ nên nhà nó cũng long đong lắm. Do vợ chồng nó chỉ mới có một đứa con nên chưa được công nhận là hộ nghèo". – ông Liêm nói.

Gia cảnh bi đát của vợ chồng sản phụ bị bỏ rơi giữa đường ở Bình Phước - 1
Cháu Ma Quốc Khánh không thể đón sinh nhật sắp tới vì bi kịch gia đình

Liên quan đến vụ việc này, Công an huyện Bù Đăng cho biết đang tiếp tục làm rõ sự việc, hiện chưa thể công bố là có xử lý hình sự tài xế hay không.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn luật sư TPHCM nhận định hành động của lái xe trong trường hợp này là vô cùng nhẫn tâm nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội danh "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" hoặc "Vô ý làm chết người". "Tài xế chỉ phạm tội đó khi người chết là sản phụ. Ở đây người chết là trẻ sơ sinh nhưng khi tài xế rời đi thì đứa trẻ sơ sinh chưa chào đời. Hơn nữa rất khó chứng minh đứa bé chết là vì bị tài xế bỏ mặc. Có thể đứa bé chết do thiếu tháng, suy tim trước đó...." - luật sư Đức phân tích.

Về việc tại sao Trạm Y tế xã Thống Nhất không giữ chị Yến lại để sinh mà yêu cầu chuyển lên tuyến trên, phía trạm y tế thông tin chị Yến tới trạm, qua thăm khám phát hiện "suy tim thai", "suy hô hấp" nên buộc phải chuyển tiếp lên tuyến trên. Phía trạm Y tế còn cho biết chị Yến đã bị động thai 2-3 ngày trước.

Theo Khả Tuệ - Như Phú (Nld.com.vn)