GĐ Vườn quốc gia Ba Vì: Nhận 8 tỉ cho 53ha resort

01/03/2016 08:25:42

Thông tin với phóng viên về dự án Le Mont Ba Vì Resort & Spa xây dựng khi chưa được cấp phép, GĐ Vườn quốc gia (QG) Ba Vì Nguyễn Phi Truyền cho biết resort xây không phép là do Ban quản lý Vườn QG 'nể nang'.

Thông tin với phóng viên về dự án Le Mont Ba Vì Resort & Spa xây dựng khi chưa được cấp phép, GĐ Vườn quốc gia (QG) Ba Vì Nguyễn Phi Truyền cho biết resort xây không phép là do Ban quản lý Vườn QG 'nể nang'.

Ông Nguyễn Phi Truyền cho biết: Dự án Resort & Spa Le Mont của công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) xây dựng tại cốt 600m trên đỉnh núi Ba Vì (nằm trọn vẹn trong vườn Quốc gia Ba Vì) ‘có nhiều vấn đề’.

Trong đó, điểm mấu chốt và quan trọng nhất là chưa được cơ quan chủ quản (Bộ NN&PTNT) cấp phép phê duyệt dự án.

“Những điều đó chúng tôi cũng biết. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiến hành xây dựng được là do chúng tôi nể nang” - ông Truyền phân trần.

Ông Nguyễn Phi Truyền (ngoài cùng, bên phải) làm việc cùng Vụ pháp chế (Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) vào sáng 1/3.


Theo ông Truyền, từ năm 2010-2014, CFTD chỉ tiến hành dọn phát rãnh nước, cây cỏ, gạch đá từ những biệt thự cũ thời Pháp để lại để lấy mặt bằng. Trong thời gian đó, CFTD cũng xây dựng nhà tạm, lán cho công nhân ở.

“Những việc đó tuy thế nhưng mất rất nhiều thời gian. CFTD cũng chuẩn bị nguyên liệu, gỗ để dựng nhà sàn (là các công trình đang hiện hữu của Le Mont Resort & Spa bây giờ - PV). Tháng 10/2015, Vườn QG Ba Vì có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, đồng thời có tờ trình báo cáo Bộ chủ quản” - ông Truyền cho biết.

Trước câu hỏi: “Trong một thời gian rất ngắn, CFTD đã gấp rút xây dựng và hoàn thiện cơ bản dự án, đã bắt đầu tiến hành kinh doanh, khai thác”, ông Truyền lý giải: “Nhà sàn bằng khung cột đã chuẩn bị từ trước nên khi lắp ráp cũng rất nhanh. Các công trình vòng ngoài khác như cổng, tường bao chỉ cần thi công trong thời gian ngắn”.

Dự án Le Mont Resort & Spa đã gần như hoàn thiện và đưa vào sử dụng.


“Về cơ bản, dự án Le Mont được xây dựng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Phía chủ đầu tư cũng đã hoàn tất các thủ tục như đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Về đơn vị quản lý Vườn QG Ba Vì, cái chúng tôi quan tâm đó là đánh giá tác động môi trường của dự án có ảnh hưởng tới môi trường sinh thái chung của vườn QG hay không” – ông Truyền cho hay.

Cũng theo ông Truyền, dự án này nằm trong Khoản 2, Điều 89 (Luật Xây dựng) nên không cần… giấy phép xây dựng (?!). Tuy nhiên, văn bản quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án lại chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt!

Vườn QG Ba Vì nhận 8 tỉ cho 53ha resort

Thông tin riêng với VietNamNet, ông Nguyễn Phi Truyền cho biết: Trong thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư (xin QĐ phê duyệt dự án), năm 2008, CFTD đã có hợp đồng liên kết đầu tư với Vườn QG Ba Vì.

Sơ đồ quy hoạch chi tiết Vườn QG Ba Vì. Theo GĐ Vườn QG Ba Vì, những điểm đánh dấu màu vàng là khu vực quy hoạch cho phép xây dựng các công trình trong khu vực Vườn QG Ba Vì.


Theo như hợp đồng này, Vườn QG Ba Vì đã đồng ý góp hơn 53ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi. Đổi lại, phía doanh nghiệp sẽ chi trả cho Vườn QG Ba Vì phí đóng góp ban đầu là 200 triệu. Tổng số tiền mà Vườn QG được hưởng trong vòng 50 năm là 8 tỉ đồng.

Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng khu nghỉ dưỡng, tuy nhiên, Ban Giám đốc Vườn QG Ba vì đã đồng ý “bán” cho Công ty CFTD bộ diện tích 53 ha để xây dựng khu resort.

Trao đổi với PV sáng 1/3, ông Nguyễn Phi Truyền thừa nhận: “Đến thời điểm hiện tại, phía doanh nghiệp đã chuyển đủ số tiền hơn 8 tỉ đồng cho Ban quản lý Vườn QG Ba Vì". Số tiền này, theo lời ông Truyền là được dùng với mục đích bảo vệ, quản lý rừng.

Bộ NN&PTNT không biết thông tin gì về dự án

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Cao Đức Phát, Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra do Vụ trưởng vụ pháp chế Đoàn Minh Tuấn làm trưởng đoàn.

Sáng nay, đoàn kiểm tra đã làm việc với Vườn QG Ba Vì. Dự kiến trong ngày 2/3, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT.


Thông tin với PV sau buổi làm việc, ông Đoàn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ pháp chế, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: “Dự án đương nhiên có sai phạm. Sai phạm đầu tiên ai cũng nhìn thấy là chưa có quyết định phê duyệt dự án”.

Về nội dung buổi làm việc của đoàn công tác đối với lãnh đạo Vườn QG Ba Vì, ông Tuấn nói do đang trong quá trình xác minh nên chưa thể thông tin. Tuy nhiên, trước mắt, Tổng Cục Lâm nghiệp sẽ có tờ trình gửi lãnh đạo Bộ, trong đó có nội dung đình chỉ xây dựng và hoạt động của resort này.

Trả lời câu hỏi "Bộ NN&PTNT cũng như Tổng cục Lâm nghiệp có biết việc doanh nghiệp tiến hành xây dựng công trình khi chưa đủ các thủ tục hay không?", ông Cao Chí Công cho biết: "Tổng cục Lâm nghiệp có nắm được thông tin sau khi Vườn QG Ba Vì trình lên. Tuy nhiên, thời điểm mà phía Tổng cục nhận được thông tin thì hồ sơ pháp lý của dự án còn chưa có Đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT cấp".

Cũng theo ông Công, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT chưa biết việc xây dựng công trình này. Cục Lâm nghiệp cũng chưa báo cáo lên Bộ về việc doanh nghiệp xây dựng dự án này.

"Sau khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xin ý kiến các bên liên quan thì chúng tôi mới trình lên Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt dự án" - ông Công nói.
 

Ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công văn hoả tốc yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc xây dựng trái phép công trình khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).

Ngoài việc thanh tra, làm rõ các hoạt động vi phạm trong quá trình xây dựng trái phép khu nghỉ dưỡng, ông Cao Đức Phát chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc xây dựng trái phép kể từ ngày 1.3; giám sát toàn bộ hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo lãnh đạo Bộ trong ngày 4.3.

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 29/2, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng toàn bộ việc xây dựng trái phép công trình này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đã giao Bộ NN&PTNT xử lý.

Theo Kiên Trung - Hoàng Sang (VietNamNet)

Nổi bật