“Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên dưới sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào tại Quảng trường Ba Đình… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào, sung sướng” – GS Lê Thi - người phụ nữ vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn còn nhớ như in những thời khắc thiêng liêng của lịch sử.
Bà tên thật là Dương Thị Thoa (SN 1926, bí danh là Lê Thi). Bố của bà là nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.
Khóc khi thấy cờ Tổ quốc tung bay
Trong căn phòng chừng khoảng hơn 20m2 với đầy sách báo và các tư liệu cũ, ngồi bên chiếc bàn, bà Thi tay run run, lật lại từng tấm hình cũ, trong đó có những hình ảnh đen trắng đã được chụp cách đây cả nửa thế kỷ. Dù mắt mờ, chân run nhưng những ký ức về thời kỳ lịch sử đã qua, người phụ nữ ngoài 90 tuổi ấy vẫn còn nhớ đến từng chi tiết như mới xảy ra.
Nói về ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945, GS. Lê Thi chậm rãi kể, ngày hôm đó, quần chúng đi dự rất đông, các cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Các đoàn người rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình lịch sử. Phụ nữ ngoại thành áo nâu, quần đen, chít khăn mỏ quạ. Phụ nữ nội thành áo dài, quần trắng. Đội quân ở chiến khu về quần áo nâu chàm, thanh niên tự vệ Hà Nội đội calô xanh, các em thiếu nhi áo trắng quần cộc xanh, đánh trống ếch…
GS Lê Thi kể lại giờ phút kéo cờ Tổ quốc lịch sử. Ảnh Trần Vương |
Khi đó bà Lê Thi đi trong đoàn của phụ nữ Liên khu I. Bà đi ở ngoài hàng ngũ, tay cầm gậy để giữ trật tự, chân đi giày bata trắng, mặc áo dài, quần trắng, vừa đi vừa hô khẩu hiệu để chị em hô theo.
GS Lê Thi nhớ lại: “Khoảng 13h30 ngày 2.9.1945, hàng vạn đồng bào đã sẵn sàng chờ đến giờ phút Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chúng tôi đang đứng hồi hộp chờ đợi cuộc mít tinh sắp bắt đầu, bỗng nhiên một đại diện Ban tổ chức đến chỗ đoàn phụ nữ chúng tôi yêu cầu cử một đại diện lên kéo cờ.
Lúc này, chị em nhao nhao bảo “Thi lên đi”, khi đó tôi ngập ngừng, lo sợ e ngại vì sự việc xảy ra quá bất ngờ. Đây cũng là một việc ngẫu nhiên, có lẽ vì tôi đứng ở hàng đầu, lại ở ngoài hàng, dáng “oai vệ” vác gậy gỗ, giữ trật tự cho đội ngũ chị em”.
Bà Thi cùng những trang tư liệu và hình ảnh cũ từ nhiều năm trước. Ảnh Trần Vương |
“Tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ Tổ quốc cũng từ từ được kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình.
Khi lá cờ lên tới đỉnh cao, tung bay lồng lộng trong cơn gió mùa thu và nắng tháng Tám, cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng. Nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào” - bà Thi hồi tưởng.
Nhớ mãi câu hỏi "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không" của Bác Hồ
Nhắc lại sự kiện trên, GS Lê Thi cho rằng đây cũng là một niềm vinh dự chung của phụ nữ Liên khu I mà bà là một đại diện. Bà cho hay, ngày Lễ tuyên ngôn độc lập đó cũng là lần đầu tiên bà được nhìn thấy Bác Hồ. Trên lễ đài, bà được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ kaki giản dị, đi dép cao su, giọng nói ấm áp.
Đặc biệt khi Bác ngừng đọc, hỏi nhân dân: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không” thì tim mọi người như ngưng đập trước sự quan tâm của Bác với quần chúng.
Bà Lê Thi kể lại cuộc gặp gỡ với người phụ nữ kéo cờ cùng mình trong ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Ảnh Trần Vương |
Ngày 2.9.1945, người con gái kéo cờ cùng với bà là một nữ du kích người Tày. Cô du kích người Tày áo chàm, quần bó cạp và cô nữ sinh Hà Nội áo dài quần trắng, đại diện cho phụ nữ Kinh và phụ nữ miền núi.
Hai người không quen nhau, không biết tên nhau, cùng hồi hộp, lo lắng, làm sao kéo lá cờ đỏ sao vàng lên chói lọi trong một ngày trọng đại của dân tộc. Sau đó những người đã cùng kéo cờ trong ngày độc lập lịch sử chia tay nhau, không biết tên ai là gì.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mãi đến năm 1989 họ mới gặp lại nhau. Người phụ nữ dân tộc Tày ngày ấy chính là bà Đàm Thị Loan, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Ảnh chụp gia đình bà Lê Thi từ năm 1943. |
GS Lê Thi cho hay, suốt hơn 70 năm qua, bà đã không làm điều gì phải hổ thẹn, xứng đáng với sứ mệnh được là người kéo cờ đỏ sao vàng ngày 2.9.1945. Những lúc chiến đấu quyết liệt ở Trung đoàn Thủ đô, khi hoạt động bí mật trong nội thành Hà Nội tạm chiến, lúc lặn lội trong quần chúng nông dân ở Vĩnh Yên và đồng bào dân tộc ở Tuyên Quang, hay về sau khi chuyển sang nghiên cứu khoa học, bà luôn giữ phẩm cách người cách mạng, người con gái của Thủ đô Hà Nội.
Theo Vương Trần (Lao Động)