Ngày 10/5, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh chiếc xe máy kéo theo xe ba gác chở 5 nhân viên chống dịch. Trước khi chiếc xe lăn bánh, một bác sĩ mặc áo blouse trắng cũng nhanh chóng tiến lại bắt tay tạm biệt đồng nghiệp.
Theo tìm hiểu, những hình ảnh trên được ghi lại tại trạm y tế xã Đồng Lạc (xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Người bác sĩ mặc áo blouse trắng chính là trạm trưởng trạm y tế xã.
"Đồng nghiệp bảo 'anh có bức ảnh trên mạng đẹp lắm' nên tôi mới mở lên"
Trong câu chuyện với chúng tôi chiều 11/5, bác sĩ Lê Phú Truỳ cho biết, ông thực sự không biết mình bị chụp và mãi đến tận hôm qua (10/5), ông mới biết sự tồn tại của bức ảnh đó.
Kể lại bối cảnh xuất hiện bức ảnh, bác sĩ Truỳ chia sẻ: "Ngày 7/5, tôi nhận được thông tin xã Đồng Lạc có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, lây từ ổ dịch bệnh viện K Tân Triều. Ngay lập tức, UBND xã đã triệu tập tất cả các nhân sự từ dân quân, thanh niên... phối hợp cùng trung tâm y tế xã điều tra, truy vết những hộ dân có liên quan đến ca bệnh.
Sau khi truy vết được F1, F2, F3 và phong toả thôn Yên Lạc, chúng tôi nhận được thông tin phun khử khuẩn những địa điểm liên quan đến ca bệnh. Do nhân sự mỏng nên các thanh niên tình nguyện, y tế ở khu vực thôn khác cũng được điều động sang đây giúp đỡ.
Lúc này xảy ra tình huống máy phun thuốc của y tế bị trục trặc nên tôi báo cáo lên ban chỉ đạo huy động máy phun thuốc của ban thú y xã. Khi anh bên thú y chở máy phun thuốc bằng xe cải tiến cũng là lúc chúng tôi chờ chuyến xe chở các đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế tham gia chống dịch vào thôn Yên Lạc.
Trong lúc chờ đợi quá lâu mà tình hình chống dịch rất cấp bách nên tôi đã bảo với anh đó 'bây giờ có gì, tôi sử dụng cái đó', làm sao mà sớm nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất. Vậy là tất cả mọi người đã ngồi lên chiếc xe ba gác".
Theo bác sĩ Truỳ, ông cũng mới biết trên chiếc xe đó có 5 người, 4 người là thanh niên tình nguyện, 1 người là nhân viên y tế.
"Hôm qua, đồng nghiệp tôi có bảo anh có bức ảnh trên mạng đẹp lắm nên tôi mới mở lên xem thì mới biết trên xe có 5 người", bác sĩ Truỳ nói.
Bác sĩ Truỳ cho biết, sau khi chiếc xe ba gác đi vào vùng dịch, ông đi xe máy sau xe này. Thực sự bản thân ông còn lo lắng người dân không hiểu sẽ bảo vi phạm luật giao thông vì xe kéo không được chở người. Ông còn trêu các đoàn viên ngồi trên xe nhưng ai cũng cười bảo chống dịch như chống giặc.
Cái bắt tay truyền động lực của tuyến đầu chống dịch
Nói về cái bắt tay với đồng nghiệp, ông Truỳ không giấu được sự xúc động, ông kể lại: "Lúc đó những người trên xe chỉ có 1 nhân viên y tế và 4 thanh niên tình nguyện, tôi cũng không biết họ là ai. Tôi chỉ biết động viên, bắt tay để truyền cho anh em động lực vào vùng dịch cùng ngành y tế, làm sao để chống dịch, dập dịch nhanh nhất.
Từ khi có dịch bệnh đến nay, chúng tôi đã xác định là chống dịch thì ngành y phải đi hàng đầu. Do quá bận công việc nên mãi đến trưa nay tôi mới biết người được tôi bắt tay là y sỹ ở trạm y tế xã Hồng Phong. Hằng ngày hai người vẫn gặp nhau nhưng hôm đó tất cả đều mặc quần áo bảo hộ nên rất khó nhận ra".
"Nhiều lần đi phun thuốc qua nhà, rất muốn vào nhà nhưng không thể"
Cũng vì công việc chống dịch, từ ngày 7/5 đến nay, bác sĩ Truỳ và nhiều nhân viên y tế không được về thăm nhà. Dù rất muốn về nhà nhưng vì tình hình dịch bệnh chung nên ông đành nén nỗi nhớ vào lòng để thực hiện nhiệm vụ.
"Tôi lấy vợ và sinh được 2 người con, người con trai đã lớn, đang làm trong ngành y còn con gái đang học đại học nhưng ở nhà cùng vợ. Nhà tôi đang ở trong khu phong toả, mới xây lên tầng 1 thì gặp dịch bệnh nên hiện tại tất cả công việc đành phải nhờ vợ và con gái điều hành. Thực sự, nhiều lần đi phun thuốc qua nhà, rất muốn vào nhà nhưng không thể".
"Vợ và các con đều biết tôi vất vả nên rất hay gọi điện động viên, các con thì bảo bố hãy cố gắng còn vợ dặn anh cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà có em lo. Không chỉ vợ con đâu, người dân trong xã cũng động viên, có lúc họ gọi nhiều làm điện thoại tôi nóng ran lên", bác sĩ Truỳ nói thêm.
Cuối cùng, chia sẻ về cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại, bác sĩ Truỳ trải lòng: "Nếu không thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ ăn ở UBND xã và ngủ ở trạm y tế xã luôn. Tôi hay nói đùa với mọi người rằng, mình đang ăn cơm nhà nước, ngủ giường nhà nước. Nói thế thôi chứ không được về nhà, mọi thứ đều khó khăn hơn nhưng có thêm anh em đồng nghiệp đồng cam cộng khổ, mình cũng cố gắng hết sức".
Theo Đinh Huy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)