Ông Tứ nói hiện tượng này là bình thường trong tự nhiên. Gạo bị nấm mốc xâm nhập khi có hàm lượng nước trên 12%. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền quận Sơn Trà và Chi cục đã lấy mẫu để phân tích độc lập và cùng cho ra kết quả gạo đổi màu do nấm mốc.
Cơ quan chức năng cho biết, các trường hợp gạo đổi màu đều bị ẩm ướt, từ lúc ngâm đến lúc chuyển màu xanh là 2 ngày, 3 đêm (khoảng 47 đến 48 giờ). Do người dân tích trữ gạo để quá lâu, hoặc để gạo ở nơi ẩm ướt nên khi bị nấm mốc có màu vàng, xanh thì cho rằng lạ.
Gạo đổi màu xanh ở Đà Nẵng do người dân chụp lại. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã đăng tải thông tin giúp người dân phòng ngừa gạo bị nấm mốc bằng việc bảo quản nơi khô ráo, thông thoáng, vật chứa gạo phải thường xuyên rửa sạch, lau chùi sau mỗi lần dùng hết gạo cũ, mua gạo mới đổ vào...
Bên cạnh đó, Sở cũng cũng khuyến cáo người dân không sử dụng gạo nói riêng và các thực phẩm nói chung bị nấm mốc bởi một số loại nấm như Aspergillus flavus sinh ra độc tố aflatoxin gây hại đến sức khỏe con người; không sử dụng các loại thùng đựng sơn quét tường, chứa xà phòng hoặc chứa hóa chất độc trước đó, để đựng gạo và thực phẩm, vì dễ bị phôi nhiễm chất độc từ vật liệu.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, ước tính hàng năm số lương thực, thực phẩm thế giới hư hao 20%, trong đó một nửa là do nấm mốc. Do gạo không còn lớp trấu bảo vệ, chất dinh dưỡng ở lớp ngoài nhiều nên dễ bị vi sinh vật phá hoại.
Trước đó giữa tháng 5, một số hộ dân tổ 8B phường Thọ Quang lấy gạo ra ngâm, để qua một đêm thì phát hiện gạo chuyển sang màu vàng, sang ngày hôm sau thì chuyển màu xanh, bốc mùi hôi khó chịu. Nhiều hình ảnh gạo đổi màu được chia sẻ trên Facebook khiến người dân lo lắng gạo bị nhiễm hóa chất.
Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)