Theo cam kết, trong tháng 8.2017, các doanh nghiệp đóng tàu "67" hư hỏng phải khắc phục xong sự cố, để ngư dân vươn khơi. Thế nhưng đến nay, phía đóng tàu lại tiếp tục hứa, xin lùi thời gian khắc phục đến tháng 9...
Hiện nay, 12/20 tàu vỏ thép bị hư hỏng (được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu) đã được kéo lên đà để sửa chữa vỏ bị rỉ sét, bắn cát và sơn, thay mới máy thủy chính, khắc phục các hư hỏng về hầm bảo quản, trang thiết bị,...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám thị sát tình hình sửa chữa tàu 67 tại Bình Định vào ngày 22.8. Ảnh: D.T |
Theo phương án, Công ty TNHH MTV Nam Triệu sửa chữa 15 tàu vỏ thép bị hư hỏng từ ngày 12.7 đến 30.8. Tuy nhiên, đến nay công ty này chỉ mới kéo lên đà sửa chữa được 7 tàu. Trong đó, thay máy thủy mới hiệu Mitsubishi cho 6 tàu và sửa chữa, sơn lại vỏ tàu bị rỉ sét, sửa chữa khắc phục hầm bảo quản bị động nước, giữ nhiệt kém, sửa chữa các hư hỏng hệ thống lái và trang thiết bị. Theo đại diện công ty này, do thời tiết có mưa không thuận lợi nên công ty không thể thực hiện việc bắn cát phun sơn theo kế hoạch.
Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có báo cáo tình hình thực hiện và dự kiến đến ngày 30.8 sẽ khắc phục, sửa chữa xong và hạ thủy 7 tàu vỏ thép đã lên đà. Công ty sẽ tiếp tục khắc phục 8 tàu cá còn lại. Đến ngày 30.9 sẽ hoàn thiện việc sửa chữa cho tất cả 15 tàu bị hư hỏng”.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã kéo lên đà cả 5 tàu để sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Thế nhưng, theo kết quả kiểm định lại 10 mẫu thép Trung Quốc trên 5 tàu cá thì thành phần hóa học: 7/10 mẫu không đạt cấp thép A do có thành phần Mangan (Mn) thấp hơn so với quy định theo Bảng 7A/3.1 của QCVN 21:2010/BGTVT. Vì vậy, các tàu này vẫn nằm chờ phương án khắc phục từ quyết định của UBND tỉnh Bình Định.
Ngư dân từ chối hỗ trợ gạo, yêu cầu bồi thường
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Tôi yêu cầu công ty TNHH MTV Nam Triệu cần phải tích cực hơn nữa. Nhanh chóng sửa chữa để các tàu đủ điều kiện ra khơi trong đầu tháng 9.2017, chứ để tới tháng 10 nếu có xong thì cũng như không. Vì thời điểm đó có bão, ngư dân không thể ra khơi được. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không cầu thị, lấy tiền của dân thì phải trả hết ra để sửa chữa, đừng nói chuyện làm cho xong. Làm ăn kinh tế như vậy thì đất nước chỉ có mạt. Tôi yêu cầu công an tỉnh làm rõ việc này”.
Theo ông Châu, Sở NNPTNT Bình Định đã làm việc với các ngư dân có tàu hư hỏng, thế nhưng họ từ chối nhận gạo hỗ trợ cứu đói.
“Cái mà ngư dân cần lúc này là họ yêu cầu trả lại kinh phí tốn thời gian nằm bờ để đảm bảo thu nhập cho họ. Lỗi này là của công ty đóng tàu, chứ không phải do ngư dân hoặc thiên tai. Vì vậy, công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm. Việc này, ngành liên quan cần phải làm ngay để giúp ngư dân” - ông Châu yêu cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: D.T |
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) lại ủng hộ việc doanh nghiệp xin gia hạn sửa chữa đến 30.9 mà không đòi hỏi việc đẩy nhanh tiến độ đúng cam kết.
“Theo kế hoạch, ngày 30.8 sẽ sửa chữa chữa xong. Tuy nhiên, theo báo cáo thì doanh nghiệp nêu lý do thời tiết thất thường, mặt bằng chật, năng lực hạn chế, trang thiết bị thiếu,… và cần thời gian trao đổi giữa giữa ngư dân và nhà máy đóng tàu. Nên tiến độ chậm lại có thể kéo dài đến 30.9, tôi ủng hộ việc này. Nếu 30.9 hoàn thành như cam kết của công ty TNHH MTV Nam Triệu thì thành công, chứ không nên ép tiến độ” - ông Oai nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cần phải hợp tác với địa phương, ngư dân. Đặc biệt, ông Tám cũng “nhắc nhở” UBND tỉnh Bình Định sớm đưa ra phương án khắc phục tàu đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.
“So với yêu cầu ban đầu của tỉnh Bình Định và cam kết của 2 công ty thì tiến độ khắc phục tàu 67 hư hỏng chậm hơn dự kiến. Với việc để ngư dân nằm bờ, không có thu nhập thì cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Bộ NNPTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hiện Thủ tướng đang chỉ đạo ngành chức năng tiếp thu đề xuất của ngư dân, địa phương để có hướng giải quyết việc trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ giao cho Tổng cục thủy sản, đối với tàu vỏ thép và vật liệu mới phải có đào tạo nghề cho ngư dân theo vị trí việc làm” - Thứ trưởng Tám cho hay.
Ngư dân Lê Văn Thãi đề nghị doanh nghiệp sớm sửa chữa tàu để vươn khơi, trả nợ ngân hàng. Ảnh: D.T |
Ngư dân quá mệt mỏi vì phải chờ đợi
Trước thông tin Công ty TNHH MTV Nam Triệu xin gia hạn sửa chữa đến tháng 9.2017, ngư dân tỏ ra rất bức xúc vì doanh nghiệp đã thất hứa.
Ngư dân Lê Văn Thãi - chủ tàu BĐ 99016 TS (tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết: “Đến lúc này, tàu của tôi vẫn chưa được đưa lên đà sửa chữa thì bao giờ mới xong. Lúc trước, Công ty cam kết tháng 8.2017 sẽ xong, giờ xin gia hạn qua tháng 9, họ cứ hứa hẹn kiểu vậy thì ngư dân phải chờ đến bao giờ?”.
Theo ngư dân Thãi, trong khi tàu còn nằm bờ thì ngân hàng liên tục gửi thông báo nợ quá hạn, buộc gia đình ông phải trả 498 triệu đồng. Đến 25.8 tới, tiền nợ gốc phải trả thêm cho ngân hàng 400 triệu đồng nữa nên gia đình chẳng biết phải xoay sở như thế nào...
“Chờ tàu được đưa lên sửa chữa, chúng tôi quá mệt mỏi, doanh nghiệp cần đền bù thiệt hại đã gây ra cho ngư dân. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian dối để lấy lại niềm tin cho chúng tôi” - ông Thãi yêu cầu.
Theo D.Tuấn (Dân Việt)