Gần hai năm trên 'ghế nóng' của Tổng Thanh tra và Bộ trưởng Giao thông

25/10/2017 08:10:00

Lãnh đạo ngành Thanh tra, Giao thông cùng nhận nhiệm vụ từ tháng 4/2016 và sẽ được miễn nhiệm trong hôm nay.

Hôm nay 25/10, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ của ông Phan Văn Sáu. 

Hai ông Trương Quang Nghĩa và Phan Văn Sáu tham gia Chính phủ từ tháng 4/2016 và đang trong nhiệm kỳ đầu tiên, ở hai lĩnh vực đều được đánh giá "ghế nóng".

"Trọng trách nặng nề"

Thời điểm nhận nhiệm vụ từ người tiền nhiệm Huỳnh Phong Tranh, tân Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu "đây là niềm vinh dự to lớn, cũng là trọng trách nặng nề buộc tôi cố gắng thật nhiều". Ông cũng nhận định, "ngành thanh tra đã có nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều khó khăn, vất vả".

Năm đầu tiên ông Phan Văn Sáu nhận nhiệm vụ, toàn ngành thanh tra đã triển khai khối lượng lớn công việc với 6.586 cuộc thanh tra hành chính và 252.592 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Trong đó, Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiến hành nhiều cuộc thanh tra được dư luận quan tâm, đơn cử như thanh tra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) - nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Gần hai năm trên 'ghế nóng' của Tổng Thanh tra và Bộ trưởng Giao thông
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu (bìa trái) trong một cuộc làm việc với Cục chống tham nhũng. Ảnh: Bá Đô

Cũng trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án Nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên; kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ​... Riêng với dự án Đình Vũ, cơ quan thanh tra nêu rõ dự án chưa có hiệu quả kinh tế, lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận trên các mặt công tác của ngành đều có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra những mặt tồn tại, như: Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế...

Về phần mình, trong nhiều cuộc làm việc của ngành, ông Phan Văn Sáu luôn quán triệt và chỉ đạo cấp dưới cần thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm và có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Trong cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác giám sát việc công khai kết luận thanh tra, hồi tháng 4/2017, ông Sáu đề nghị cơ quan này "có ý kiến" để thời gian tới sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.

Tháng 6/2017, khi nhận được câu hỏi của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của ngành thanh tra liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (Hà Nội), ông Phan Văn Sáu có văn bản trả lời. Theo đó, ông Sáu khẳng định khi nhận được đơn của công dân, cơ quan thanh tra đã yêu cầu Hà Nội có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; giao Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với thành phố trong quá trình xử lý vụ việc.

"Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội; cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4", ông Sáu thông tin.

Trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn, đặc biệt là trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ liên tục được cấp có thẩm quyền giao vào cuộc nhiều "điểm nóng", cụ thể là thanh tra liên quan đến dự án trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); vụ VN Pharma; quá trình cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam; "biệt phủ" của Giám đốc sở ở Yên Bái...

Trong 9 tháng qua, dưới sự điều hành của ông Phan Văn Sáu, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố nhiều kết luận thanh tra được dư luận quan tâm, trong đó có nội dung chỉ ra hàng loạt vi phạm trong đầu tư, xây dựng các dự án giao thông theo hình thức BT và BOT ở TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải.

Trước khi bước vào kỳ họp Quốc hội lần này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay "ông Phan Văn Sáu đã có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ, chuyển công tác khác phù hợp".

Với sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, trọng trách của ông Phan Văn Sáu sẽ được chuyển từ cơ quan thanh tra về tỉnh Sóc Trăng.

Gần hai năm trên 'ghế nóng' của Tổng Thanh tra và Bộ trưởng Giao thông - 1
Từ trái qua: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao đổi với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

"Người lính" Trương Quang Nghĩa

Khi nhận quyết định rời Bộ Giao thông Vận tải, ông Trương Quang Nghĩa nói “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về Đà Nẵng làm Bí thư”, nhưng nhận nhiệm vụ này “như một người lính”.

Quá trình công tác của ông Trương Quang Nghĩa bắt đầu từ quân đội và ông đã có 16 năm rèn luyện trong môi trường này, sau đó là quãng thời gian tương đương ở Tổng công ty Vinaconex.

Từ 2008 đến nay, “người lính” Trương Quang Nghĩa thường xuyên được cấp trên phân công nhiệm vụ mới. Ông trải qua 6 vị trí công tác khau nhau và không có vị trí nào đảm nhiệm trọn thời gian một nhiệm kỳ 5 năm, từ Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, rồi Bí thư Đảng uỷ Khối này; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; và nay là  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Lúc mới nhận nhiệm vụ ở ngành giao thông, ông Trương Quang Nghĩa khẳng định, trong công tác đầu tư, ông sẽ giữ nguyên tắc chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Trong gần hai năm, ông Nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu vốn để triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc Nam... Ngoài ra ông cũng phải xử lý nhiều vấn đề liên quan đến các dự án BOT; vướng mắc trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo quan sát của giới báo chí, ông Nghĩa được đánh giá khá kín đáo so với người tiền nhiệm Đinh La Thăng.

Gần hai năm trên 'ghế nóng' của Tổng Thanh tra và Bộ trưởng Giao thông - 2
Hôm nay Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông với ông Trương Quang Nghĩa và Tổng thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu. 

Thị sát công trường dự án cầu Ghềnh mới giữa tháng 4/2016, nghe báo cáo "tiền đã về đến kho bạc" mà không tiêu được, ông Nghĩa yêu cầu các đơn vị cần tạo điều kiện cho nhau, tuyệt đối không có tư tưởng "có phong bì, cái nọ cái kia mới làm".

Báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng 5/2017, ông Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận, đường sắt Việt Nam đi từ hiện đại xuống lạc hậu. 

Liên quan đến sự việc tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí ở dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nghĩa cho rằng "Nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, tôi đề nghị nhìn khách quan hơn".

Tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Giao thông thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án cao tốc Bắc Nam, tuy nhiên công việc này được ông Nghĩa chuyển giao cho Bộ trưởng mới. Từ hôm nay, ông sẽ rời vị trí ở Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Bá Đô - Đoàn Loan (VnExpress.net)

Nổi bật