Trong đình làng Đông Cốc thực sự có rất nhiều cây sưa có giá trị, nhưng cứ lần lượt chúng bị chặt hạ vì nhiều mục đích. Sau 7 cây sưa bị chặt hạ, hiện nay, trong đình làng chỉ còn 2 cây sưa, trong đó, có cây to 400 tuổi cực kỳ giá trị và 1 cây nhỡ ước tính cũng phải lên tới 4 – 5 tỷ đồng.
Tìm vào thôn Đông Cốc, phóng viên đã đến một nhà sửa xe trong làng và gặp ông Nguyễn Văn Khuyến. Trò chuyện một lúc, ông Khuyến kể: “Trước đây trong đình làng có rất nhiều cây sưa có giá trị, nhưng cứ dần dần nó bị bán xới mà không rõ lý do”.
“Cây đầu tiên bán đi là vào năm 2007, nói là bán cũng chưa đúng, vì đợt đó một cành sưa lớn thuộc cây sưa 400 năm tuổi bỗng dưng bị bão làm gãy đổ. Trong cơn sốt gỗ sưa lên đến đỉnh điểm, các cụ và nhân dân trong làng đã xin rao bán lấy tiền sửa sang lại đình làng. Vì thế, xã đã đổi ngang 1 cây sưa cộng với 1 cành của cây sưa 400 tuổi bị vướng vào đình để tu sửa lại đình”, ông Khuyến kể.
Cành của của cây sưa 400 tuổi lúc đó cũng được định giá lên tới 300 triệu đồng |
Cây đầu tiên đã được phục vụ mục đích tu sửa lại đình làng, thế nhưng đến cây thứ 2, ông Khuyến bức xúc nói: “Công trình tự hoại “vô tình” được bố trí ở đúng vị trí 1 cây sưa. Thế là, cây sưa đã bị đốn hạ. Sau khi họp bàn thì cây đã được bán với giá 260 triệu đồng, một số tiền khá lớn thời bấy giờ”.
“Nhưng bức xúc hơn là cây sưa thứ 3, tuy lý do bán là chính đáng vì mưa bão nên cây ngã đổ xuống ao. Thế nhưng thời điểm đó, cây sưa đã bị bán như thế nào, bán bao nhiêu không ai biết, lúc đó ông Nguyễn Tiến Nho đang là trưởng thôn”, ông Khuyến bức xúc kể lại.
Cây sưa thứ 4 cũng dấy lên nhiều nghi vấn trong lòng bà con thôn Đông Cốc bởi nó đã bị cưa trộm ngay trong khuôn viên đình làng Đông Cốc. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Khuyến kể: “Cây thứ 4 tiếp tục làm bà con trong thôn không khỏi hoài nghi. Bởi, cây nằm trong khuôn viên đình làng mà lại bị cưa gần đứt đôi, chỉ cần đẩy 1 cái là đổ. Thế nhưng, nó lại được buộc dây gia cố để tránh đổ hẳn, cưa trộm thì chẳng ai làm thế”.
“Sau khi việc đã rồi, một cuộc họp mở ra để bàn xem bán cây với giá bao nhiêu. Lúc đó họp dân, mọi người đã đồng ý bán 400 triệu đồng. Nhưng sau khi khách mua chở cây về nhà rồi, thì họ chỉ đồng ý trả 350 triệu đồng, còn 50 triệu đã thỏa thuận kia có đi đâu thì dân làng cũng đành chịu”, ông Khuyến kể.
Cây sưa 200 tuổi lúc chưa bị chặt |
Còn cây sưa thứ 5 chính là cây sưa 200 tuổi, việc mua bán cây sưa này dù đến nay đã rất nhiều tháng nhưng vẫn rối như tơ vò. Nhiều câu hỏi nghi vấn đã được đặt ra, liệu cây sưa có phải đã được bán thấp nhất ở mức giá sàn 49 tỷ đồng mà chỉ thông báo với bà con là 24,5 tỷ đồng, hay còn cao hơn nữa?
Có một thông tin khá thú vị có thể chứng thực được giá trị của cây sưa này có thể lên tới cả trăm tỷ đồng được ông Phạm Minh Hải cho biết: "Ông Nguyễn Văn Khâm trước đó là đại gia sẵn sàng trả giá 52 tỷ đồng để lấy cây nhưng bị xã từ chối".
Hạ cây sưa 200 tuổi |
"Nên sau khi ông Hùy mua được, ông Khâm có đến nhà ông Hùy xin mua lại cây, thì được biết, riêng số cành ông Hùy đẽo ra đã bán được 20 tỷ đồng, tức là gần bằng giá trị thông báo tới mọi người. Còn lại 1 thân và 1 khúc ngọn nặng 1 tấn 6 tạ 70 kg, ông Khâm hỏi mua với giá 40 triệu đồng/kg thì lập tức ông Hùy lắc đầu. Ông Hùy chỉ đồng ý bán với giá 43 triệu đồng/kg, thậm chí người ngoài phải 45 triệu đồng/kg", ông Hải nói.
Nếu tính ra tiền mặt, 1 thân và 1 khúc ngọn kia có giá lên tới 68 tỷ đồng, cộng với 20 tỷ đồng tiền cành, tổng số tiền ông Hùy thu được là 88 tỷ đồng, một con số quá lớn.
Sau khi bán rất nhiều sưa có giá trị, nhưng con đường huyết mạch đi vào thôn Đông Cốc vẫn không khác gì mặt ruộng. Lấy lý do đó, 2 cây sưa nữa (tức là cây thứ 7) đã bị đốn hạ với lý do phục vụ làm đường dân sinh. Hai cây sưa đó theo người dân, hiện vẫn nằm trong đình để chờ bán, trị giá cũng phải đến 50 – 70 triệu đồng.
Chuyển cây đi |
Như vậy, gần chục cây sưa trong đình làng đã bị hạ giải, nhưng nó giúp ích gì được cho làng thì thực sự vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Cách đây vài tháng, trên báo chí, một cán bộ xã đã nói rằng, người dân có nhu cầu bán cây sưa 400 tuổi thì sẽ đề nghị lên các cấp cao hơn để xin ý kiến.
Nhân dân ở thôn đã bị mang tiếng một lần là đồng ý bán cây sưa 200 tuổi, chẳng biết đến bao giờ, họ lại bị gắn cho cái “tiếng” đồng lòng bán cây sưa 400 tuổi nữa?
Số tiền 8,5 tỷ đồng ông Hùy trả nốt cho làng đang ở đâu
Bà con trong thôn Đông Cốc đang vô cùng hoang mang, về số phận của số tiền 8,5 tỷ đồng mà ông Hùy (đại gia đã mua cây) tạm ứng cho bà con để lấy cây giờ ra sao. Bởi theo điều tra của PV trong làng và một số người trong 52 người đại diện cộng đồng dân cư, thì cũng đều nhận được cùng một câu trả lời.
Mọi người dân bức xúc: “Số tiền 8,5 tỷ đồng được gửi đi đâu, tiền lãi bao nhiêu không ai biết. Thậm chí, họ đã rút bao nhiêu, chi cái gì cũng không họp dân, không bàn bạc gì, dân làng không được biết”.
Chi tiết về số tiền đã được rút ra, ông Nguyễn Văn Cử (là 1 trong 8 người đứng tên tài khoản) cho biết: “Số tiền 8,5 tỷ đồng đã bị chia thành 8 tài khoản, trong đó, tôi đứng tên 1 tỷ đồng, 5 người khác mỗi người đứng tên tài khoản 1 tỷ đồng, 1 người đứng tên tài khoản 2 tỷ đồng và một người còn lại đứng tên tài khoản 500 triệu đồng”.
“Tài khoản đứng tên dưới dạng cá nhân, nên lúc đi rút tiền chỉ có trưởng thôn đi theo tôi. Cách đây 1 – 2 tháng, tôi và ông Nguyễn Văn Sơn có đi rút tiền trong tài khoản của mình về theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiến – Chủ tịch UBND xã Hà Mãn”, ông Cử kể.
Đình làng Đông Cốc |
Cũng theo ông Cử: “Số tiền rút về đều được đưa cho ông Hiến, ngoài ra, 2 người nữa cũng đã đi rút tiền từ tài khoản về, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, kì lạ thay, tôi và ông Sơn đi rút thì được 22 triệu đồng tiền lãi. Nhưng 2 người kia đi rút là ông Nguyễn Văn Điều 500 triệu đồng và ông Nguyễn Văn Hựu 1 tỷ đồng thì chỉ được 500.000 đồng tiền lãi”.
Ông Cử có trao đổi nhanh với PV rằng: “Số tiền được rút ra các ban ngành đoàn thể, trong đó có cả dân làng đều biết”. Thế nhưng hỏi khá nhiều người dân trong thôn như bà San hay ông NVT (người nằm trong 52 người đại diện cộng đồng dân cư) cũng chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán, mọi người đều chẳng hề biết gì.
Nhiều người còn cho rằng: “Đây là tài khoản chung của cư dân, cứ bị rút dần rút mòn mà không ai hay biết, chi gì cũng không ai hay. Rồi dần dần tiền cứ không cánh mà bay mà chẳng giúp được gì cho thôn xóm”.
Theo Thế Hưng (Dân Trí)