Hậu quả lớn do phớt lờ quy định
Cũng theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trong tổng số 988 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nêu trên, có 239 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, chiếm 24,2%; 632 cơ sở được cấp Biên bản kiểm tra xác nhận đủ điều kiện về PCCC, chiếm 64%. Số cơ sở chưa được cấp chỉ chiếm tỷ lệ hơn 11% (117 cơ sở). Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra thực tế, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội kết luận chỉ có 201 cơ sở (20,3%) đảm bảo các điều kiện về PCCC, còn 787 cơ sở không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA ban hành về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí quy đinh rõ, cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ này phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC nghiêm ngặt như: tường, vách ngăn, trần treo của lối thoát nạn, các buồng, vật liệu trang trí phải được làm bằng vật liệu chống cháy hoặc khó cháy; các hệ thống chống sét, điện, chống tĩnh điện và việc bố trí các thiết bị này cũng phải đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC. Thiết kế lắp đặt biển quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu vật tư, chiếu sáng, quy chuẩn xây dựng biển ngoài trời không che kín cả nhà lấp lối thoát nạn, ban công...
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại Hà Nội hiện nay được chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng sang dịch vụ karaoke. Đối với nhà ở chỉ có một thang bộ không vi phạm quy định về PCCC nhưng khi chuyển đổi sang kinh doanh karaoke phải có ít nhất hai lối thoát nạn và phải là lối thoát nạn an toàn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới hơn 700 cơ sở không đảm bảo số lối thoát nạn, thậm chí có chủ cơ sở còn tự ý bịt lối thông khẩn cấp lên sân thượng để cơi nới thêm phòng sử dụng, kinh doanh. Việc các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, Club phớt lờ quy định về PCCC chính là lời đáp vì sao hậu quả của các vụ hoả hoạn tại các quán bar, karaoke xảy ra gần đây thường gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
Phạt cho tồn tại?
Bài học đắt giá nhất về tình trạng này là vụ cháy ở quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào chiều 1/11. Ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ quán Karaoke do bà Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở Hà Đông, Hà Nội) làm chủ và lan sang 3 nhà kế bên. Hậu quả khiến 13 người tử vong và nhiều người khác bị thương (trong đó có 2 chiến sỹ cảnh sát PCCC)
Trả lời báo chí, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, chủ kinh doanh quán Karaoke này chưa có đầy đủ giấy phép theo quy định của pháp luật về PCCC, kinh doanh karaoke. Trước đó, quán karaoke này từng bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử lý về các lỗi vi phạm nêu trên.
Trước đó, ngày 17/9 vừa qua, vụ hoả hoạn đã thiêu gần như toàn bộ ngôi nhà 8 tầng, diện tích 80m2 được cải tạo làm quán quán karaoke ở số 85G đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quán karaoke này được người thuê thay đổi công năng, chuyển từ nhà ở sang kinh doanh karaoke, chia làm 11 phòng hát và hành lang đi lại hẹp, không có lối thoát hiểm vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC.
Đáng chú ý, quán karaoke Gold cũng từng bị lập biên bản vi phạm, giao cho lực lượng chức năng của phường sở tại giám sát, thực hiện các yêu cầu quy định về an toàn cháy, nổ của cơ sở này. Nhưng, bất chấp những động thái trên, quán karaoke vẫn tiếp tục hoạt động và xảy ra hoả hoạn, rất may không có thương vong về người.
Qua đó, có thể thấy, đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện vẫn cố tình hoạt động, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt là chưa đủ. Nếu như không có các biện pháp “mạnh tay” thì e rằng những vụ hoả hoạn kinh hoàng sẽ vẫn còn xảy ra.
Theo Dương Lê (Tiền Phong)