Qua tìm hiểu, bộ máy quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 13 đoàn tàu, trong đó khai thác vận hành 12 đoàn và 1 đoàn dự phòng. Số nhân sự trên được chia thành 21 bộ phận, trung tâm để đảm nhiệm tất cả các công việc của tuyến đường sắt (quản lý vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa…).
Cụ thể, bộ phận có số lượng lớn từ trên 50 đến hơn 200 người gồm: Trung tâm Ga vận tải hành khách 254 người gồm: Nhân viên vé, quản lý hành chính, quản lý tổng hợp, tác nghiệp tổng hợp, phụ trách an toàn, trưởng bộ phận, trưởng ca; Trung tâm Tàu khách: 86 người, riêng lái tàu 46, lái dồn và thử tàu 12 người; Trung tâm Kiểm tra và sửa chữa tàu: 53 người; Trung tâm Sửa chữa thiết bị nhà ga: 60 người, riêng thợ sửa chữa tổng hợp 42 người, Trung tâm Sửa chữa thông tin tín hiệu: 62 người, gồm 48 công nhân sửa chữa thông tin, tín hiệu và máy soát vé tự động.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đường sắt, số nhân sự phục vụ dự án trong quá trình chạy thử nghiệm từ 3 – 6 tháng trước khi đưa vào khai thác thương mại trong quý I/2019 sẽ tiếp tục được đánh giá để phù hợp về số lượng, mô hình tổ chức khai thác vận hành về sau
“Thực tế, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sử dụng công nghệ khác với đường sắt quốc gia, nên chưa thể đánh giá số lượng nhân sự nhiều hay ít và tùy thuộc vào phương án tổ chức khai thác, quá trình vận hành mới có thể chốt số lượng nhân lực cụ thể. Trong thời gian đầu vận hành thử, chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới được tham gia vận hành. Khi hệ thống hoạt động ổn định, nhân sự của đơn vị khai thác, vận hành sau này được đưa vào để kết hợp đào tạo thực hành tại dự án”, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt nói.
Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, lực lượng nhân sự của dự án ký hợp đồng với Metro Hà Nội, đã hoàn thành đào tạo giai đoạn I. Trong đó, lái tàu được đào tạo thực tế tại Trung Quốc và tất cả đã sẵn sàng để tham gia giai đoạn thực hành tại dự án.
Theo Đặng Sơn (Báo Tin Tức)