Nhóm nghiên cứu của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã mua 117 mẫu thịt gà, bò, lợn từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017. Kết quả phân tích vừa được công bố cho thấy 80 mẫu (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn salmonella.
Thịt nhiễm vi khuẩn salmonella nếu không nấu chín kỹ có thể khiến người ăn bị viêm dạ dày ruột. Vi khuẩn salmonella trong khảo sát này là loại không gây bệnh thương hàn. Người nhiễm khuẩn hầu hết đều tự khỏi, một số trường hợp diễn biến nặng, tùy vào lượng salmonella nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Nhung, tác giả chính nghiên cứu cho biết: "So với châu Âu thì tỷ lệ nhiễm này là cực kỳ cao". Số liệu giám sát từ Liên minh Châu Âu năm 2014 chỉ ra tỷ lệ các mẫu thịt nhiễm salmonella là 2,26%, 0,62% và 0,23% đối với gà, lợn và bò. Tỷ lệ tương ứng của nghiên cứu lần này trên mẫu thịt lấy từ TP HCM là 71,8%, 70,7% và 62,2%.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn salmonella phân lập từ thịt. Các chủng salmonella được nuôi trong phòng thí nghiệm rồi kiểm tra độ nhạy với 32 thuốc kháng sinh. Có đến 52,2% các chủng salmonella đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với ít nhất ba nhóm kháng sinh.
Một chủng từ thịt lợn thể hiện tính kháng với colistin. Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng với colistin được tìm thấy trên thịt ở Việt Nam. Colistin là thuốc kháng sinh dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn nặng, thường chỉ được sử dụng cho người như giải pháp cuối cùng, khi các thuốc khác không hiệu quả.
Người có thể bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh khi tiếp xúc xử lý thịt hoặc ăn thịt, trứng, rau chưa chế biến kỹ. Để phòng tránh lây nhiễm, người chế biến nên rửa tay sạch và cẩn thận trong khâu chế biến thực phẩm, bao gồm việc rửa rau.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích tổng cộng 357 mẫu thịt gà, lợn và bò mua từ chợ truyền thống và siêu thị ở TP HCM, Hà Nội và Đồng Tháp để kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt. Kết quả cho thấy 7,3% các mẫu chứa tồn dư kháng sinh. Cụ thể tỷ lệ mẫu thịt có kháng sinh ở chợ truyền thống là 9,6%, cao hơn tỷ lệ ở siêu thị là 2,6%.
Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, như thịt, sữa và trứng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người ăn, như gây dị ứng, ngộ độc, làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Tồn dư kháng sinh còn có thể dẫn đến sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh. Nguyên nhân tồn dư là do người chăn nuôi không tuân thủ thời gian ngưng sử dụng kháng sinh cho vật nuôi trước khi xuất chuồng.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)