Gần 1.000 gia súc chết trong đợt rét kỷ lục

26/01/2016 20:40:47

Theo thống kê, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng là các địa phương chịu thiệt hại lớn nhất về đàn gia súc, cây trồng trong đợt mưa rét kỷ lục.

 Theo thống kê, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng là các địa phương chịu thiệt hại lớn nhất về đàn gia súc, cây trồng trong đợt mưa rét kỷ lục.
Trao đổi với PV, ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, theo thống kê sáng 26/1, băng tuyết xuất hiện nhiều ngày khiến 174 con trâu, bò chết vì rét trên toàn tỉnh.
 
Sa Pa là nơi nhiệt độ giảm sâu, băng tuyết xuất hiện dày nhất khiến 72 con trâu, bò chết. Các địa phương Văn Bàn, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà, Si Ma Cai mỗi huyện thiệt hại hàng chục con gia súc.
 
"Toàn tỉnh có 2.923 ha hoa màu và 217 ha cây công nghiệp ngắn ngày (chủ yếu thảo quả, dược liệu) bị ảnh hưởng bởi băng tuyết", ông cho biết.
 

Ông Lý A Lử (xã Lao Chải, Sa Pa) cho biết phải thức cả đêm đốt lửa sưởi cho đàn trâu. Ảnh: Quân Nguyễn.

 
Ông Tiến cũng cho biết, Lào Cai không hỗ trợ người dân trong đợt rét này. Theo lý giải, UBND tỉnh rút kinh nghiệm từ mùa rét năm 2008, đàn gia súc địa phương thiệt hại hơn 17.000 con. Tuy nhiên, khi Sở NN-PTNT hỗ trợ thì trách nhiệm tự bảo vệ tài sản của người dân không cao.
 
Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, băng tuyết xuất hiện trên đỉnh núi Ba Vì độ cao trên 1.200 m. Vị trí này, không có người dân sinh sống, do đó tới thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại về gia súc, vật nuôi. Lãnh đạo Phòng đã hướng dẫn người dân các xã Vân Hòa, Ba Vì, Tản Lĩnh, Minh Quang, Khánh Thượng biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, đặc biệt là bò sữa.
 
Những năm gần đây, Sở chủ trương thực biện pháp phòng chống từ xa, hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại, giống cỏ, cây trồng. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện các biện pháp giữ ấm bảo vệ gia súc, cây trồng trước khi mùa rét về.
 
Còn ông Nguyễn Sinh Cung - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết, băng tuyết xuất hiện khiến 185 gia súc (133 trâu, 52 bò) chết. Trong đó, các huyện Hạ Lang, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Thạch An thiệt hại nặng nhất.
 
"Đây là đợt rét lần đầu tiên băng tuyết xuất hiện tại nhiều địa bàn của tỉnh Cao Bằng. Ban lãnh đạo Sở sẽ thống kê và trình UBND tỉnh để dùng ngân sách dự phòng 2016 hỗ trợ các trường hợp cụ thể", ông nói.
 

Nhiều người dân chở trâu chết từ bản lên thị trấn Sa Pa bán. Ảnh: Quân Nguyễn.

 
Trao đổi với PV, ông La Văn Sí - trú xóm Phja Đén, xã Thành Công (Bình Nguyên, Cao Bằng) cho biết, dù đã được che chắn cẩn thận nhưng trâu của gia đình vẫn bị chết rét. Theo ông, rạng sáng 25/1, sau khi tuyết rơi vài giờ thì phát hiện con trâu cái bị chết dù đã được quây bạt, thức ăn đầy đủ.
 
"Trâu chết đồng nghĩa với việc gia đình rơi vào cảnh lao đao, khốn khó bởi nó là tài sản lớn nhất mà gia đình", ông Sí nuối tiếc.
 
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến cuối ngày 25/1, đã có 773 con gia súc bị chết, trong đó Quảng Ninh 217 con, Cao Bằng 185 con, Lào Cai 174 con...
 
Về cây trồng, 2.923 ha hoa màu, 217 ha cây công nghiệp ngắn ngày (tại Lào Cai) bị ảnh hưởng do trận rét đậm, rét hại. Về giao thông, quốc lộ 4D, đoạn qua khu vực Thác Bạc tới đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) do có băng tuyết phủ mặt đường, không đảm bảo an toàn nên có khoảng 30 xe tải và xe khách phải đỗ ở khu vực này...
 
>> “Thời tiết cực đoan vẫn đang chờ đón chúng ta ở năm 2016”
>> Hà Nội: Xếp hàng đi chợ cóc ngày mưa rét hoành hành, rau thịt đội giá
 
Theo Hoàn Nguyễn - Quyết Thắng (Zing.vn)

Nổi bật