F0 nặng ở Hà Nội tăng, khu điều trị bệnh nhân nặng kín giường

18/02/2022 09:53:45

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số F0 nặng ở Hà Nội tăng gần 700 ca (gần 15%) so với trung bình 7 ngày trước đó.

Theo cập nhật của Bộ Y tế tới ngày 17/2, trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội thì hơn 2.500 ca mức trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước), gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch (tăng gần 15%), trong đó 608 ca thở oxy (tăng 18%), 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%), số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...

Cũng trong hôm qua, Hà Nội thông báo phát hiện 3.893 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh từ 27/4/2021 đến nay lên gần 187.000 trường hợp.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 16/2, toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 ca điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly.

Gần 97% F0 tại Hà Nội ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hơn 3% còn lại (hơn 4.000 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Thành phố cũng ghi nhận 872 ca tử vong do COVID-19 từ tháng 4/2021 đến nay, chiếm tỷ lệ 0,46% tổng số ca mắc. So với con số 1,5% của cả nước, đây là tỷ lệ thấp. 

F0 nặng ở Hà Nội tăng, khu điều trị bệnh nhân nặng kín giường
Khu điều trị F0 nặng ở Hà Nội kín giường

Sáng 18/2, trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, cho biết cơ sở y tế này hiện điều trị 180 bệnh nhân, đã kín giường. Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 20-30 F0.

"Bệnh viện có hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Giường bệnh vẫn còn nhưng nhân lực để tiếp nhận, điều trị theo công suất tối đa là 530 giường của bệnh viện chưa đủ. Với số nhân lực và số bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi còn thiếu bác sĩ, điều dưỡng", điều dưỡng Phương nói.

Khu vực R13 và R14 là nơi điều trị bệnh nhân tầng 3, nặng và nguy kịch. Mỗi khu có thể điều trị tối đa 20 bệnh nhân. Hiện khu vực này cũng kín giường.

BS Nguyễn Minh Nguyên, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết đặc điểm của các bệnh nhân tại đây là rất già, tuổi trung bình từ 80 đến 100 và tỷ lệ chưa tiêm vaccine lớn.

"Các bệnh nhân điều trị tại khu vực hồi sức luôn cần theo dõi liên tục 24/24 giờ vì diễn biến xảy ra liên tục, khó lường. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện. Vì vậy, chúng tôi phải chiến đấu dài hơi. Đây cũng là thách thức lớn với nhân viên y tế", bác sĩ Minh Nguyên nói.

Bác sĩ Nguyên phân tích sau khi tiêm vaccine, số lượng F0 ngoài cộng đồng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng có giảm. Tuy nhiên, khi số F0 tăng quá cao, lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt người già yếu, nhiều bệnh nền, không có khả năng đi tiêm vaccine. Những trường hợp này mắc thêm Covid-19 thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, theo bác sĩ Minh Nguyên, muốn giữ được tỷ lệ tử vong thấp, chúng ta cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", giảm tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng, bảo vệ đối tượng nguy cơ nặng.

NT (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật