F0 điều trị tại nhà nếu không khai báo y tế sẽ có nguy cơ 'mất trắng' 2 khoản tiền này

21/02/2022 18:31:53

Hiện nay, có không ít trường hợp F0 quyết định tự cách ly và điều trị tại nhà mà không hề khai báo với trạm y tế.

Việc F0 tự điều trị tại nhà mà không báo với cơ quan y tế có thể khiến người lao động (NLĐ) bị mất một số quyền lợi, thậm chí có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng.

Tiền trợ cấp chế độ ốm đau

Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định khi gặp vấn đề về sức khỏe, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện như NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc và bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, trường hợp NLĐ nhiễm COVID-19 đang đóng BHXH và điều trị tại nhà thì được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Khoản 1 Điều 100 của Luật BHXH quy định, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trong đó, theo điểm a khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã dược cấp giấy phép hoạt động cấp.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn thống nhất về việc trường hợp F0 điều trị tại nhà thì xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ở đâu, mà mỗi địa phương lại có hướng dẫn khác nhau.

Ví dụ, TP. HCM đã có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Công văn 9000/SYT-NVY. Cụ thể, Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Thế nhưng, một số địa phương khác, Trạm Y tế chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, sau đó người lao động cần nộp Giấy này cho Trung tâm y tế huyện để cấp Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Khi đã có được Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, NLĐ nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau, với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm y tế để có được Giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19, hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nếu không khai báo, NLĐ sẽ không được cấp Giấy và sẽ đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.

Theo Điều 26 của Luật BHXH, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:

- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường:

­­+ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm.

+ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm.

- Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm.

+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở trở lên.

Về quy định cấp xác nhận, theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh thì NLĐ là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017.

F0 điều trị tại nhà nếu không khai báo y tế sẽ có nguy cơ 'mất trắng' 2 khoản tiền này
Ảnh minh họa

Để được hưởng chế độ ốm đau, NLĐ là F0 cần thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.

Theo Công văn 238/BYT-KCB về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ điều trị COVID-19, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.

Cụ thể, sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, NLĐ  là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội. Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

F0 điều trị tại nhà nếu không khai báo y tế sẽ có nguy cơ 'mất trắng' 2 khoản tiền này - 1
Một mẫu nghỉ chế độ ốm dau điều trị COVID-19 tại nhà nộp cho doanh nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp.

Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, NLĐ phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan BHXH, phải giải trình lý do bằng văn bản.

Sau khi nhận hồ sơ từ NLĐ, doanh nghiệp sẽ lập thêm Mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày làm việc.

Bước 3: Nhận tiền trợ cấp ốm đau từ cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19 trong trường hợp sau: Sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của NLĐ vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

Tiền phạt do không khai báo y tế

Bên cạnh những chế độ BHXH có thể được hưởng thì F0 điều trị tại nhà cũng có nguy cơ đối mặt với nguy cơ bị xử phạt hành chính nếu không khai báo với cơ sở y tế.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, COVID-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Như vậy, người nhiễm COVID-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Kết luận

Người bị nhiễm virus COVID-19 cần phải khai báo y tế với Trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đang sinh sống và điều trị. Đây là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ bắt buộc đối với F0. F0 không khai báo với Trạm y tế không chỉ bị mất khoản tiền trợ cấp theo chế độ ốm đau, bị mất tiền trợ cấp BHXH mà còn có thể bị phạt tiền. 

Ngoài ra, nếu như khai báo với Trạm y tế, F0 còn được tư vấn, hỗ trợ thuốc và hướng dẫn cách thức điều trị kịp thời và hiệu quả.

Koya (Nguoiduatin.vn)

https://kenh14.vn/f0-dieu-tri-tai-nha-neu-khong-khai-bao-voi-tram-y-te-se-co-nguy-co-mat-trang-khoan-tien-nay-tham-chi-phai-nop-phat-them-10-20-trieu-dong-20220221163358687.chn

Nổi bật