Đường sắt thiếu 8.000 tỷ thay thế đầu máy toa xe, lo tàu chạy mất an toàn

19/02/2023 07:31:37

Để thay thế 60 đầu máy, 500 toa xe sắp hết niên hạn, đường sắt cần nguồn vốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong điều kiện huy động khó khăn, ngành đường sắt kiến nghị bỏ quy định niên hạn.

Luật Đường sắt 2017 ghi rõ phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác phải còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. 

Nghị định 65/2018 theo lộ trình thực hiện đến năm 2022, niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách không quá 40 năm; đối với toa xe chở hàng không quá 45 năm.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65, cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, thực hiện các quy định trên, đến năm 2025 đường sắt sẽ thiếu khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. 

Để đầu tư thay thế, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần khoảng 8.000 tỷ đồng và đó mới chỉ là thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel.

Việc huy động số vốn rất lớn để đầu tư đóng mới thay thế số phương tiện hết niên hạn trên là không khả thi trong tình hình sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn hiện nay.

Đường sắt thiếu 8.000 tỷ thay thế đầu máy toa xe, lo tàu chạy mất an toàn
Để thay thế 60 đầu máy, 500 toa xe sắp hết niên hạn, đường sắt cần nguồn vốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Ảnh: Muôn Năm.

Trong khi việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi cho các dự án đóng mới phương tiện vận tải cũng chưa thực hiện được. Do vậy, Tổng công ty kiến nghị bỏ quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt trong Luật Đường sắt. Trong khi chờ sửa Luật, kiến nghị tạm dừng thực hiện quy định này.

Đại diện VNR cho rằng, hiện không có căn cứ khoa học nào khẳng định đầu máy, toa xe sử dụng 40 - 45 năm là mất an toàn. Hầu hết các nước cũng không có quy định về niên hạn đầu máy, toa xe.

“Tất nhiên nếu thay mới được thì đương nhiên an toàn hơn, nhưng với tình hình thực tế hiện nay là không khả thi”, ông Mạnh nói. 

Cũng theo Tổng Giám đốc VNR, quy định về chuyển đổi phương tiện xanh, đến năm 2050 phải thay mới toàn bộ phương tiện điện. Nghĩa là ngay cả bây giờ có tiền đầu tư đầu máy diesel thì chỉ khai thác 20 năm rồi bỏ, rất lãng phí.

Ngoài ra, việc nhập phương tiện điện từ bây giờ cũng không khả thi vì công nghệ đường sắt tại Việt Nam hiện là công nghệ chạy tàu diesel, khổ đường đơn 1.000mm, chưa được điện khí hóa. 

Còn với đầu máy sử dụng nhiên liệu xanh khác, Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định bảo dưỡng, bảo trì... để vận dụng, khai thác.

Xung quanh kiến nghị của VNR, ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định niên hạn trong Nghị định 65. 

Trong khi chờ sửa Luật Đường sắt 2017, sẽ đề xuất hướng giải quyết trước mắt là tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện niên hạn.

Nếu kéo dài thời gian thực hiện niên hạn thì phải có giải pháp về an toàn, như rút ngắn kỳ hạn đăng kiểm, đảm bảo kỹ thuật.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)

Nổi bật