Theo văn bản Bộ Tài chính gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc trả nợ và phí cam kết cho khoản vay tín dụng người mua ưu đãi 250 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn đối với khoản vay này vào ngày 21-1-2018. Trong đó dư nợ là 38,56 triệu USD, cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỉ đồng), trong đó riêng lãi vay là hơn 580.000 USD (13,16 tỉ đồng). Phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229.500 USD (tương đương 5,2 tỉ đồng).
Theo đó, khoản vay có thời gian trả nợ trong 9 năm bắt đầu từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2025, kỳ hạn trả nợ chia làm 2 lần, vào 21-1 và 21-7 hàng năm. Kỳ trả nợ như Bộ Tài chính nêu trên là năm thứ 2. Số tiền phải trả mỗi kỳ là 14,4 triệu USD, tương đương với 325 tỉ đồng.
Như vậy, trung bình 1 năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Bên cạnh đó còn khoản vay 419 triệu USD ban đầu để thực hiện dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Khoản vay 250 triệu USD chỉ là khoản vay bổ sung cho dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt), Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng) nhưng đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng) do chậm tiến độ.
Dự án được khởi công tháng 10-2011, đến nay đã chậm tiến độ 3 năm. Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9-2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án dự kiến sẽ khai thác thương mại.
Theo T.Hà (Nld.com.vn)