Cả năm phát hiện vài trường hợp kê khai tài sản không trung thực
Về đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, ông Đạt nói đề án muốn thực hiện được thì phải luật hóa, “chúng ta thực hiện theo luật pháp chứ không phải thực hiện theo đề án”.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng tại cuộc họp báo - Ảnh: V.V.T |
Một vấn đề nữa là đã kê khai thì phải công khai, muốn công khai thì phải xác minh tính trung thực, đó là những vấn đề cần đưa vào luật.
“Cả một năm mới phát hiện được một vài trường hợp không trung thực là không đúng thực tế. Bây giờ chúng tôi đang tích cực làm đề án, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, sau đó trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật thì chắc chắn giải quyết được vấn đề này”- ông Đạt cho biết.
Theo ông Đạt, việc công khai tài sản thu nhập, theo quy định hiện hành thì công khai ở cơ quan đơn vị với hình thức niêm yết hoặc công khai trong cuộc họp.
“Vừa rồi trung ương có đề nghị công khai ở nơi cư trú, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ kiến nghị với trung ương là tiếp tục nghiên cứu. Bây giờ công khai nơi cư trú là công khai như thế nào? Không cẩn thận thì một số kẻ xấu lợi dụng cái đó làm phức tạp tình hình. Cho nên vẫn thực hiện nghị quyết của Trung ương là công khai nơi cư trú, nhưng công khai như thế nào, đối tượng ra sao, thời điểm nào cho thích hợp thì chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ để Chính phủ đề nghị lên Trung ương. Chúng tôi đang tích cực làm, hy vọng đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành các vấn đề này” - ông Đạt nói.
Các cuộc điện thoại và tin nhắn đến từ từ 27 địa phương 12 bộ ngành, ở các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, nổi lên nhiều nhất là đất đai, khoáng sản.
Thứ hai là thuế, ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ.
Thứ ba là liên quan đến các lực lượng công quyền trực tiếp xử lý vụ việc của người dân, có dấu hiệu mãi lộ, nhận hối lộ, ví dụ như cảnh sát giao thông, thuế vụ, kiểm lâm.
Thứ tư là xuất nhập khẩu và chạy công ăn việc làm. Thứ năm là xây dựng công trình, dự án, chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Trong số các nguồn tin đã nhận được: khoảng 50% đã được cơ quan thanh tra chuyển cho các cơ quan chức năng khác theo thẩm quyền; khoảng 30% phản ánh dấu hiệu sai phạm thuộc các ngành, các địa phương, cơ quan ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; khoảng 15% có cơ sở dấu hiệu tham những, tiêu cực thuộc chức năng của Cục chống tham nhũng trực tiếp xử lý.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo Tổng thanh tra, tiến hành các biện pháp theo quy định, có thể là thanh tra hoặc nếu thuộc chức năng cơ quan khác thì chuyển cơ quan đó. Đã có 6 nguồn tin chúng tôi đang làm, có tính khả thi, đề xuất Tổng thanh tra tiến hành thanh tra” - ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, thời gian qua dư luận quan tâm đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu cực, tham nhũng có tác dụng gì, tới đây có duy trì thường xuyên không và người nghe điện thoại có chịu áp lực không.
Ông Đạt nói mong muốn khi công bố đường dây nóng là để thu thập đươc nhiều nguồn tin thực tế, giúp cho công tác nghiên cứu, đề ra giải pháp, tham mưu phục vụ quản lý nhà nước tốt hơn. Trong những trường hợp cụ thể thì người dân, nhất là các bộ, công chức, viên chức làm việc trong các lĩnh vực và trên mọi miền đất nước là những người nắm rõ thông tin thực tế nhất, vì vậy đường dây nóng thiết lập ra để nắm bắt các thông tin này.
Lương ở Công ty sổ xố kiến thiết Tiền Giang cao bất thường
Tại cuộc họp báo, trả lời vấn đề liên quan đến tiền lương ở Công ty sổ xố kiến thiết Tiền Giang, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết vừa qua đã công khai kết luận thanh tra, theo đó con số tiền lương rất cao, có bất thường. Đối với những phản ánh về chuyện “đi nước ngoài học tập kinh nghiệm rồi nghỉ hưu”, ông Khánh cho rằng báo chí giúp thông tin đến người dân và đã có tác dụng tốt, đã có phản hồi. “Chúng tôi đồng tình rằng việc sử dụng kinh phí đi nước ngoài phải theo quy định, không thể đối với người sắp về hưu hay là không liên quan đến lĩnh vực cần nghiên cứu” - ông Khánh nói. |