Để triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT khởi động dự án vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD. Trong số này, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được bộ sách này.
Giải thích về điều này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, 16 triệu USD trong kế hoạch không chỉ để biên soạn một bộ SGK mà còn biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, dành cho việc chuyển một số SGK sang chữ nổi.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang thảo luận với nhà tài trợ để thiết kế lại, tái phân bổ và chỉnh sửa sổ tay. Dự tính, nguồn tiền sẽ chi dùng để tái cấu trúc kinh phí dự án tiếp tục triển khai như chi một phần nhỏ cho chuyên gia quốc tế về SGK để xây dựng tài liệu hướng dẫn cũng như thẩm định SGK đảm bảo chất lượng; tập huấn giáo viên; tăng kinh phí mua sách cho thư viện vùng khó khăn...
Dù Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải thích, song thông tin Bộ GD&ĐT không dùng khoản 16 triệu USD để xây dựng một bộ SGK riêng, mà thực tế đã có những nhà xuất bản tổ chức biên soạn SGK và vừa qua được Bộ GD&ĐT phê duyệt (bộ SGK lớp 1) khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, vừa rồi có một lãnh đạo cũ của một NXB (đã về hưu) có ý kiến trên trang cá nhân về chuyện này. Trong ý kiến đó có đề cập vấn đề đáng lẽ Bộ GD&ĐT tổ chức viết bộ SGK với 16 triệu USD, nhưng đến nay Bộ không viết bộ sách ấy và không biết số tiền này đi đâu.
Trong khi đó, các NXB đã viết ra các cuốn sách và Bộ phê duyệt, sau này các địa phương sẽ phải mua sách đấy. Bộ GD&ĐT có giải thích 16 triệu USD này dùng vào tập huấn… Điều đó là chưa đúng, 16 triệu USD chính là để xây dựng một bộ sách của Bộ chứ không phải những cái khác.
"Trước đây, với tư cách là thành viên của Hội đồng giáo dục quốc gia, tôi cũng đã từng phát biểu là Bộ GD&ĐT phải cố gắng để xây dựng ra một bộ SGK và quản lý tốt bộ sách này, còn với các NXB khác, họ có thể sản xuất ra các bộ SGK khác để nhân dân tham khảo, có thêm lựa chọn. Bộ sách có thể cho cạnh tranh, nhưng ít nhất Bộ GD&ĐT, các địa phương và người dân có một bộ sách sử dụng một cách tiết kiệm, lâu dài" - GS. TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Như vậy, với 16 triệu USD, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể xây dựng được 1 bộ SGK chuẩn. Bộ là cơ quan chủ quản, phải thể hiện tính chủ động và vai trò của mình. Bộ giải thích là chưa thu hút được các tác giả giỏi, tham gia viết sách cạnh tranh với các NXB, tuy nhiên thực tế là nơi nào trả cao thì các tác giả, giáo viên sẽ đến làm. Rõ ràng Bộ GD&ĐT đã "buông súng" trong khi có tiền để viết SGK.
"Tôi đã từng tham gia góp phần vào xây dựng chương trình cải cách giáo dục, SGK (năm 1979), việc huy động ai là người viết sách hoàn toàn do Bộ GD&ĐT lựa chọn nhân sự của ngành giáo dục. Hồi đó chúng tôi không có gì gọi là thù lao, mà chỉ có lương. Bây giờ, những cán bộ, giáo viên tham gia viết sách có thể vẫn tính thù lao, tiền ngoài giờ để họ tham gia viết sách, và đây là một nhiệm vụ. Do đó, qua câu chuyện vừa qua, Bộ GD&ĐT đã buông lỏng quản lý và quyền lực của mình" - GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)