"Bộ Công an cho tôi hỏi có quy định nào phạt lỗi dừng phương tiện khi đèn giao thông có tín hiệu xanh hay không?", công dân Tuyết hỏi.
Dừng đèn xanh cũng bị xử phạt
Trong câu hỏi gửi đến Bộ Công an, công dân Nguyễn Minh Tuyết có nêu việc, trong khi tham gia giao thông có dừng xe máy khi tín hiệu đèn giao thông đang báo đèn xanh thì bị Cảnh sát giao thông phạt.
"Bộ Công an cho tôi hỏi có quy định nào phạt lỗi dừng phương tiện khi đèn giao thông có tín hiệu xanh hay không và nếu phạt thì mức phạt cụ thể cho các phương tiện cụ thể là bao nhiêu?", công dân Tuyết hỏi.
Một số người dân cũng băn khoăn, việc xử phạt không chấp hành tín hiệu đèn đỏ hoặc đèn vàng thì đã rõ nhưng với đèn xanh thì cụ thể như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ Công an cho biết, việc người tham gia giao thông dừng xe khi tín hiệu đèn đang ở màu xanh cũng là vi phạm và sẽ bị xử lý.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ".
Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định tín hiệu đèn giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường. Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi. b) Tín hiệu đỏ là cấm đi. c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông được quy định xử phạt tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (Điểm a Khoản 5 Điều 5).
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm c Khoản 4 Điều 6).
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng (Điểm g Khoản 4 Điều 7).
Làm thế nào để xin giấy phép cho xe container vào đường nội thành Hà Nội?
Còn công dân Nguyễn Anh Minh có đặt câu hỏi về việc muốn xin giấy phép cho xe container đi vào đường trong nội thành Hà Nội để trả hàng cho khách ở khu vực Tây Hồ có được không? Nếu được, cần phải làm những thủ tục gì và phải đến đâu để xin giấy phép?
Theo Bộ Công an, căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về trách nhiệm tổ chức giao thông, như sau: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý".
Do đó, việc quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ thuộc địa bàn cấp tỉnh, thành phố quản lý do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định.
Đối với thành phố Hà Nội, ngày 25/01/2013, UBND TP có quyết định số 06/2013/QĐ-UBND quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, căn cứ vào Điều 4, Khoản 2 Điều 5 và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của quy định ban hành kèm theo quyết định số 06 thì xe của công dân Anh thuộc trường hợp bị hạn chế đi vào khu vực nội thành Hà Nội.
Như vậy, với trường hợp xe container muốn đi vào khu vực quận Tây Hồ để trả hàng thì phải được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lưu hành. Các thủ tục liên quan cấp giấy phép lưu hành đề nghị liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để được hướng dẫn chi tiết.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)