Dùng vắc-xin Pfizer chích ngay cho người đã tiêm Moderna

07/09/2021 06:54:46

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện giải pháp tiêm trộn này, hiệu quả miễn dịch vẫn ổn bởi đây là hai loại vắc-xin có cùng công nghệ sản xuất.

Đó là khẳng định của BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong chiều 6/9 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những người đã chích vắc-xin ngừa COVID-19 bằng Moderna tại TPHCM nhưng đến nay loại vắc-xin này đã bị gián đoạn nguồn cung.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế TPHCM, từ nay đến ngày 15/9 thành phố sẽ tiêm nhắc mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi thứ nhất đủ thời gian theo từng loại vắc- xin với khoảng 2.089.000 người. Tổng số lượng vắc- xin cần sử dụng là 2.769.000 liều. Trong đó có 446.000 người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi thứ nhất bằng Moderna hiện đã đến hoặc sắp đến thời gian chích ngừa mũi thứ hai.

Trước đó, ngày 27/7/2021 Bộ Y tế có công văn hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng COVID-19. Theo đó, để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc- xin từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vắc- xin của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; Bộ Y tế hướng dẫn: Những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 đến 12 tuần. Không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca. Những người đã tiêm vắc xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chiều 6/9, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, TPHCM khẳng định: “Phương án sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế. Việc tiêm trộn vắc-xin hay không cũng phải đúng hướng dẫn”.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng gián đoạn vắc-xin Moderna đang khiến người dân lo lắng vì ngành y tế chưa có phương án cụ thể để xử lý tình trạng thiếu vắc-xin Moderna. BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết: “Hiện giờ chúng tôi chưa nhận được vắc- xin Moderna cho đợt 2. Ngành y tế thành phố đang tính toán đến những giải pháp phù hợp về khoa học và chuyên môn để có phương án tiêm phòng cho cộng đồng”.

Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 5/9 tại TPHCM là 6.553.548 (tăng 108.722 mũi so với ngày 4/9). Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.054.992, mũi 2 là 498.556, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 700.519.

Trước tình hình thiếu vắc- xin Moderna ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng cho người dân, BS Trương Hữu Khanh khẳng định: “Không riêng ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin, trong đó có Moderna. Để kịp thời chích ngừa bảo vệ người dân, các nước đã thực hiện việc tiêm trộn mũi thứ nhất tiêm vắc-xin Moderna, mũi thứ hai tiêm Pfizer. Bộ Y tế cần cập nhật nhanh những phương án các quốc gia khác đã thực hiện để ứng biến trong tình trạng khan hiếm Moderna hiện nay, cần dùng vắc- xin Pfizer để chích ngừa ngay mũi thứ hai cho những người đã chích mũi thứ nhất bằng Moderna”.

Các quốc gia khác đã chích Pfizer với Moderna hai loại này có cùng công nghệ, nguyên nhân chính Việt Nam chưa cho chích trộn là cho chúng ta chậm cập nhật. Bây giờ không nên chờ nghiên cứu nữa mà cần áp dụng những phương án hiệu quả, an toàn đã được các quốc gia thực hiện trước”.

Theo Vân Sơn (Tiền Phong)