"Đừng nhân bản vô tính biển hiệu kiểu mẫu"

13/05/2016 17:27:00

Xung quanh câu chuyện 'biển hiệu kiểu mẫu' trên đường Lê Trọng Tấn được đồng bộ với hai màu xanh đỏ, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh chia sẻ với Thanh Niên, việc làm này không khác nào 'nhân bản vô tính' biển hiệu.

Xung quanh câu chuyện 'biển hiệu kiểu mẫu' trên đường Lê Trọng Tấn được đồng bộ với hai màu xanh đỏ, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh chia sẻ với PV, việc làm này không khác nào 'nhân bản vô tính' biển hiệu.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, công tác tại khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Trường Đại học xây dựng Hà Nội (chuyên gia nghiên cứu thiết kế đô thị, phát triển đô thị bền vững, nghiên cứu ý tưởng thiết kế kiến trúc cho một công ty của Đức tại Việt Nam).
 
- Thoạt nhiên tôi bất ngờ, ngạc nhiên. Bình thường chúng ta đã quen mắt với cảnh lộn xộn, lôm côm của các biển hiệu quảng cáo trên các tuyến đường của Hà Nội, nay nhìn thấy một con đường mà các biển hiệu đều "đồng phục". Nhìn qua thì thấy hay hay nhưng càng nhìn kỹ càng thấy bất ổn. Việc xác định vị trí chính xác với người đi đường là một việc làm khó khăn. Nhiều người kinh doanh trên tuyến phố này kêu bị sụt giảm doanh số là có nguyên do, để nhận định vị trí của một thương hiệu, một cửa hàng quen trên tuyến phố này đúng là sự thách thức. Tôi cho rằng đây có khác gì sự "nhân bản vô tính" các biển hiệu quảng cáo.
 
* Sự "nhân bản" này ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh đô thị, thưa ông?
 
-  Chắc chắn bước đến một con phố mà các biển hiệu đồng phục như thế này, điểm nhìn của người dân, xác định vị trí khó khăn hơn, chưa kể đến là nhận diện thương hiệu.
 
Tôi nghĩ đến thời bao cấp, những biển hiệu cũng na ná nhau, mọi thứ đánh đồng giống nhau. Cảm giác như thế nào nếu bạn bước ra đường, nhìn các cô gái cùng mặc một kiểu quần giống nhau, áo giống nhau, để cùng một kiểu tóc. Tôi cho rằng, kể cả là những cặp song sinh cũng có điểm khác biệt để nhận biết, chứ không phải là họ giống hệt nhau, không thể phân biệt.
 
Các biển hiệu trên phố cần đa dạng trong trật tự. Có thể đây chỉ là một bước làm thử nghiệm của Hà Nội để lấy ý kiến của nhân dân, chuyên gia, để sớm có những điều chỉnh phù hợp.
 
thiet-ke-do-thi-nhan-ban-vo-tinh-bien-quang-cao
"Đồng phục" biển quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn

* Đại diện UBND quận Thanh Xuân cho rằng 2 màu xanh đỏ trên biển quảng cáo có ý nghĩa, màu xanh là tượng trưng hòa bình, màu đỏ là màu cờ Tổ quốc?
 
Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh: Tôi nghĩ đây là ý kiến thiếu thuyết phục. Đừng chính trị hóa biển hiệu quảng cáo. Hai màu xanh, đỏ không mấy liên quan đến nhau, các biển hiệu ở trên phố Lê Trọng Tấn cùng một phông chữ, kiểu chữ trên nền đỏ, trắng đơn điệu, tôi có cảm giác như nhìn thấy thương hiệu của một ngân hàng. Với thương hiệu cà phê, họ có quyền đưa màu nâu vào biển hiệu, cũng như các thương hiệu trà, nước giải khát, họ có quyền đưa màu sắc chủ đạo trong nhận diện thương hiệu mà họ mất nhiều tiền, công sức để xây dựng cũng như khách hàng đã quen thuộc chứ.
 
chuyen-gia-thiet-ke-do-thi-nhan-ban-vo-tinh-bien-hieu-quang-cao
Chuyên gia thiết kế đô thị - Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh Ảnh Lê Nam

* Những nước phát triển khác có điểm gì chung trong các biển hiệu quảng cáo, thưa ông?

Tôi có cơ hội được đến khoảng 10 nước phát triển tại châu Âu, nhiều nước trong khu vực châu Á như Malaysia, Singapore, việc thiết kế đô thị của những quốc gia này đã phát triển rất sớm so với Việt Nam. Họ không sử dụng “đồng phục” cho biển hiệu quảng cáo, các biển hiệu quảng cáo có thể to, nhỏ khác nhau, lắp đặt cao thấp khác nhau, nhưng vẫn trong một trật tự cần thiết và mang đến hiệu quả kinh tế, thẩm mỹ cho đô thị. Ở Việt Nam, việc lắp đặt các biển quảng cáo chưa có chuẩn mực cần thiết trong thiết kế đô thị.
 
* Theo ông, giải pháp nào để xây dựng các biển hiệu quảng cáo đảm bảo chuẩn mực trên?
 
- Tôi nghĩ thành phố có thể quy định chuẩn về kích thước, độ cao, chiều rộng cần thiết của biển hiệu quảng cáo, và người dân sẽ được tự do lựa chọn màu sắc hiệu quả cũng như những lô gô, hình ảnh họ đã đăng ký thương hiệu, miễn là đảm bảo theo đúng luật pháp, quy định hiện hành.
 
Đừng đánh đồng thương hiệu bình dân và cao cấp
 
Bà Nguyễn Như Ngọc, giảng viên môn thiết kế đồ họa, chuyên ngành xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và các ấn phẩm truyền thông, Học viện đồ họa ColorME nhìn nhận: "Tôi chưa đánh giá xấu đẹp của các biển hiệu đường Lê Trọng Tấn, nhưng không thể đánh đồng thương hiệu bình dân và cao cấp như nhau. Một thương hiệu phải mất rất nhiều tiền, công sức để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, làm sao để mỗi bộ nhận diện thương hiệu này chuyển tải được giá trị sản phẩm, kêu gọi nhiều người sử dụng sản phẩm hơn, điều này không chỉ tính đến tiền bạc, nó còn chứa đựng trong đó tâm huyết, tình yêu của những người làm ra nó, nhưng khi đồng hóa như vậy thì tất cả các công sức kia bị phủ nhận".

Theo Thúy Hằng - Lê Nam (Thanh Niên Online)