9h55
9h45, lễ viếng kết thúc. Các đoàn lần lượt tập trung trong nhà thi đấu, chuẩn bị làm lễ truy điệu. Trời Đông Hà nổi gió lạnh, báo hiệu sắp có cơn mưa.
9h28
Lúc 9h10, trong nhà tang lễ, người nhà liệt sĩ Lê Hương Trà bị ngất, cần đến sự hỗ trợ của lực lượng y tế. Ông này sau đó được đưa ra ngoài để nghỉ ngơi, trấn tĩnh tinh thần.
Đồng đội, người dân viếng các liệt sỹ. Video: Hoàng Táo - Nguyễn Đông - Hoàng Phương |
8h20
Trong sổ tang, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ vô cùng thương tiếc 22 quân nhân đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 18/10. "Đây là sự hy sinh to lớn để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân", ông viết.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của 22 đồng chí, những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy".
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình gửi đến gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất, mong các gia đình, người thân hãy nén đau thương mất mát sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
8h11
7h56
Hai người mẹ có con đang phục vụ trong quân ngũ, bà Trịnh Thị Cam và Lê Thị Hạnh sáng nay dậy từ 5h, rủ nhau đi 16 km từ Triệu Ái (Triệu Phong) ra TP Đông Hà viếng các liệt sĩ. "Từ hôm biết tin các chú ấy hy sih đến chừ, thương mất ăn mất ngủ. Nghĩ các chú cũng như con trai mình, mà mình cũng bằng tuổi mẹ các chú. Lòng mẹ đau xót, có ai nghĩ thời bình mà hy sinh rứa", bà Cam gạt nước mắt.
Từ ngày 18/10, bà liên tục cập nhật tin tức về 22 quân nhân, biết tin tổ chức tang lễ ngày 22/10 liền gác hết việc nhà, sửa soạn đi viếng. Cũng từ hôm đó, bà thường xuyên nhắn con trai đang đóng quân ở Tân Long (Hướng Hoá), cách nơi vụ sạt lở 25 km "phải cẩn thận. Nhà chỉ có hai mẹ con, nếu con có gì mẹ không sống nổi".
Người dân chia sẻ cảm xúc khi đến viếng các liệt sĩ. Video: Hoàng Phương |
7h28
Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu vào viếng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng.
7h26
Sáng nay, trời tạnh ráo sau hai ngày mưa liên tiếp, thuận lợi cho công tác tổ chức lễ tang. Trước 7h, hàng nghìn người đến từ Quân khu 4, đại diện các cơ quan, đoàn thể, người dân đã có mặt để viếng các liệt sĩ.
Đại tá Đỗ Xuân Hiệp, nguyên Chính uỷ đoàn kinh tế 337 (nghỉ hưu từ tháng 5/2019) cho biết ông đã bất ngờ khi nghe tin khu nhà quân nhân nghỉ lại bị đất đá vùi lấp. "Đây là khu nhà ở của đơn vị, được xây dựng rất kiên cố. Quả đồi phía sau đổ dồn xuống vùi lấp các đồng đội tôi cách ngôi nhà khoảng 500 mét. Nào ngờ giờ chỉ còn là một đống bùn đất đau thương", ông nói.
Trong số những người hy sinh, chiến sĩ Lê Hương Trà là lái xe cho ông Hiệp trong suốt 11 năm và "anh em coi nhau như ruột thịt". "Rất xót thương, 8 người trong số các liệt sĩ là những thanh niên trẻ, chưa lập gia đình, nhiều người tuổi đời mới hơn 18", ông Hiệp chia sẻ.
7h06
Lúc 7h sáng, hàng trăm thân nhân của 22 gia đình liệt sĩ có mặt ở nhà tang lễ. Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, đi bắt tay từng gia đình động viên, chia sẻ mất mát. Hàng trăm quân nhân tham gia phục vụ lễ tang.
7h00
Tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), từ chiều 21/10, gia đình liệt sĩ thượng úy Lê Hải Đức (32 tuổi) đã chuẩn bị gian nhà làm nơi lo tang lễ, đón linh cữu anh từ Quảng Trị về. "Gia đình mong muốn để Đức ở lại nhà một ngày, rồi mới đưa lên nghĩa trang liệt sĩ", ông Tấn (chú của liệt sĩ Đức) nói.
Nhà Đức cách nơi anh cùng đồng đội gặp nạn hôm 18/10, hơn 100 km. Nghe tin, một số người thân vội vào tìm nhưng không thể tiếp cận được hiện trường sạt lở ở bản Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa).
Ông Lê Hải Đông (bố anh Đức) không vào được, do tuyến đường quốc lộ trước nhà bị ngập sâu gần một mét. Mãi chiều 20/10, ông cùng gần chục người nữa thuê một chuyến xe đi ngược lên đường mòn Hồ Chí Minh, mất 5 tiếng mới đến nơi. "Phải mất một ngày nữa chúng tôi mới được nhìn mặt Đức".
Đôi mắt thiếu ngủ, ông Hoàng Công Chính (bố vợ Đức), cho biết đã bất ngờ khi nghe hung tin. Ông bỏ dở việc dọn lũ ở nhà, bắt xe đò hơn 60 km từ Quảng Trạch vào nhà con rể. Ba ngày nay, khi vợ Đức vắng nhà, ông vừa phụ dọn đẹp nhà cửa, trông coi đứa cháu ngoại hơn 2 tuổi. Bé gái chưa biết chuyện, thi thoảng khóc đòi được ba bồng.
6h50
Lễ tang được cử hành tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, do Bộ tư lệnh Quân khu 4 chủ trì, lễ viếng bắt đầu từ 7h đến 10h, lễ truy điệu và di quan từ 10h đến 11h. Lễ an táng được tổ chức ngay sau đó tại các nghĩa trang liệt sĩ hoặc theo nguyện vọng của từng gia đình.
Tối 21/10, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, với sự tham dự của 22 gia đình cùng hàng trăm tăng ni.
Anh Hồ Văn Lã (25 tuổi, trú Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) người nhà liệt sĩ Hồ Văn Nguyên (22 tuổi) cho biết theo xe cấp cứu từ hiện trường vụ sạt lở ở Đoàn 337 xuống TP Đông Hà từ ngày 19/10. "Nguyên là chiến sĩ nghĩa vụ, còn 4 tháng nữa là ra quân. Nhà có 4 anh chị em, trong đó liệt sĩ Nguyên là con út, ở với bố mẹ" anh Lã nói và cho hay ba mẹ Nguyên ở nhà làm lễ theo phong tục địa phương.
Chị Hoàng Thị Diệu (vợ liệt sĩ Phùng Thanh Tùng, quê Nghệ An) nói, lúc 6h sáng 18/10, chị nhận được tin "sét đánh ngang tai", báo chồng gặp nạn trong vụ sạt núi. Chị Diệu vẫn hy vọng chồng sống sót, nhưng đến trưa đọc được danh sách các quân nhân hy sinh thì hy vọng bị dập tắt.
10 ngày trước, anh Tùng về thăm nhà. "Không ngờ anh trở vào rồi ra đi mãi mãi. Tôi chỉ lo 3 con nhỏ dại, đang tuổi ăn học", chị Diệu chia sẻ. Con gái đầu của vợ chồng chị Diệu năm nay 14 tuổi, con út 5 tháng tuổi. Người vợ cho biết đưa thi hài chồng về quê mai táng.
Trong 22 quân nhân, chỉ có 2 liệt sĩ quê Quảng Trị, 20 người còn lại được gia đình đưa về các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá để an táng. Đoàn di quan sẽ đi theo lộ trình từ Nhà tang lễ ra đường Trường Chinh, rẽ vào các đường Hùng Vương (TP Đồng Hới), quốc lộ 9 và quốc lộ 1A để ra các tỉnh.
6h30
Lúc 1h sáng 18/10, núi bất ngờ sạt lở, đổ xuống các gian nhà của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị); 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ. Chiều 19/10, tất cả 22 người bị vùi lấp do lở núi đã được tìm thấy.
Ngày 19/10, Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 ký quyết định truy thăng quân hàm cho 22 quân nhân hi sinh.
Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 làm nhiệm vụ ở 5 xã biên giới vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Trong tháng 10, đoàn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của chính quyền địa phương.
Theo PV (VnExpress.net)