Theo đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), việc đặt cược thể thao chính là một điểm mới trong dự thảo luật lần này. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của một bộ phận người dân, đồng thời tăng cường sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hạn chế tác động xấu của loại hình kinh doanh này đối với xã hội và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước. “Hiện nay tổ chức đua ngựa, đua chó đã có ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Vấn đề này chỉ mới được quy định ở nghị định, cho nên việc quy định vấn đề này trong dự thảo luật là cần thiết”, ông Quân nói.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn, ông Quân đề nghị, dự thảo chỉ quy định mang tính nguyên tắc về nội dung đặt cược thể thao và giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở từng thời kỳ để quy định cụ thể các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược cũng như quy định chi tiết về hoạt động này.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, nếu không đưa việc đặt cược vào luật thì hoạt động này vẫn diễn ra, hậu quả là ngân sách thất thu, rất khó quản lý, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội. Do vậy, đưa vào luật là rất hợp lý. “Việc quy định nguyên tắc, quy định khung và giao Chính phủ sẽ quy định cụ thể, phù hợp với từng loại hình cá cược và từng thời điểm là hợp lý”, ông Bình nói.
Trước đó, báo cáo về một số vấn đề của Luật Thể dục, thể thao, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, việc quy định về đặt cược thể thao là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, đồng thời bảo đảm sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động này.
Vì vậy, Thường vụ xin Quốc hội cho phép bổ sung nội dung đặt cược thể thao theo hướng quy định về khái niệm, nguyên tắc kinh doanh; giao Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược và quy định chi tiết.
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)