Du học sinh vỡ mộng du học Nhật Bản: Trung tâm Phan Hi có lừa đảo?

11/04/2016 10:37:48

Bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thủ tục du học Nhật Bản, nhưng phụ huynh, học sinh vỡ mộng khi nhận thông báo từ chối lưu trú vì hồ sơ sai sót.

Bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thủ tục du học Nhật Bản, nhưng phụ huynh, học sinh vỡ mộng khi nhận thông báo từ chối lưu trú vì hồ sơ sai sót.

Nhiều phụ huynh đã phải bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng đầu tư cho con em mình đi du học với mục đích để các cháu có một tương lai tốt đẹp. Nhưng bao nhiều kỳ vọng giờ đây sụp đổ bởi họ chọn nhầm phải một trung tâm du học lừa đảo. Các cháu vẫn ở nhà, tiền mất, đi lại mất thời gian đòi lại hồ sơ nhưng người quản lý trung tâm du học vẫn phớt lờ….
 

Ảnh học sinh và thày dạy tiếng trước cửa trung tâm Phan Hi (ảnh du học sinh cung cấp)


Lặn lội từ thị xã Sơn Tây cùng với một số phụ huynh khác đến Tòa soạn Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), ông Nguyễn Văn Tâm (SN1962) trình bày: Vào tháng 10/2015, do có nguyện vọng cho con trai là Nguyễn Văn Thành (SN 1988) du học Nhật Bản nên đã tới Trung tâm du học Nhật Bản Phan-hi nihongo Center (gọi tắ là Phan-hi) địa chỉ: A22 PT 1A Khu biệt thự Mỹ Đình, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại đây bà Hà Thị Xuân Hương là người đứng đầu trung tâm đã hướng dẫn ông đóng 48,8 triệu đồng làm hồ sơ. Bà Hương nhận tiền, có giấy viết tay ký nhận nhưng không có hóa đơn. “Bà Hương hứa với chúng tôi tới tháng 4/2016 cháu Nguyễn Văn Thành sẽ được sang Nhật học tiếng 2 năm và sẽ được cấp visa 12 tháng, học hết 2 năm tiếng thì thi vào các trường đại học- cao đẳng ở bên Nhật Bản. Những đến ngày 26/2/2016, bà Hương thông báo cháu Thành trượt không đi học được với những lý do không rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết.

Tương tự như trường hợp của Nguyễn Văn Thành, còn có rất nhiều du học sinh cũng được bà Hương thông báo trượt với những lý do là các cháu bị từ chối tư cách xin lưu trú từ Cục quản lý xuất nhập cảnh du học Nhật Bản cung cấp vì lý do hồ sơ sai xót.

Một du học sinh khác cũng rơi vào trường hợp bị từ chối lưu trú, trong đơn thư gửi VOV.VN, chị Trần Thị Phương ở Hoài Đức, Hà Nội (SN 1987) cho biết: “Đến trung tâm Phan-hi tìm hiểu về việc du học Nhật Bản tôi được bà Xuân Hương  tư vấn về cách thức đi du học cũng như số tiền cần đóng để có thể hoàn tất hồ sơ và thủ tục trước kỳ nhập học của tháng 4/2016. Qua trao đổi bà Hương cũng có hứa đến tháng 4/2016, tôi sẽ được bay sang Nhật theo đúng kỳ nhập học của trường bên Nhật. Số tiền tôi đã đóng là 52 triệu đồng, do đích thân bà Hương nhận”.

Em Hoàng Công Đô (SN1993) ở Nghi Lộc, Nghệ An bức xúc cho biết: “Vào tháng 10/2015, qua sự giới thiệu và quen biết một số người, tôi tìm đến Trung tâm trợ giúp du học Phan-hi do bà Hà Thị Xuân Hương là người quản lý để giúp đi du học Nhật Bản. Bà Hương đã cam kết 100% là cho tôi bay vào kỳ nhập học tháng 4/2016, thời gian học 2 năm, visa 12 tháng và hứa nếu không đi được sẽ hoản trả lại số tiền phải đóng cọc là 20 triệu đồng”.

Theo hợp đồng du học và làm việc tại Nhật Bản, ngày 6/10/2015 được viết tay (có chữ ký xác nhận) giữa bà Hà Thị Xuân Hương là người nhận đưa du học sinh đi học và làm việc tại Nhật Bản với ông Hoàng Công Phúc là bố đẻ- người bảo lãnh cho du học sinh Hoàng Công Đô. Hai bên nhất trí thỏa thuận. Về tài chính bà Hương nhất trí nhận trọn gói 215 triệu đồng kể từ khi vào học tiếng tại Việt Nam cho tới khi xuất cảnh không phát sinh bất cứ một khoản tiền nào. Tiền visa lưu học sinh phải nộp.

Bà Hương cam kết từ hôm nay (ngày làm hợp đồng- PV) cho tới hết tháng 4 thì du học sinh xuất cảnh.

Về phía người bảo lãnh là ông Hoàng Công Phúc có trách nhiệm sau khi phía Nhật Bản phỏng vấn du học sinh được chấp nhận, ông Phúc phải nộp cho bà Hương khoảng 20 triệu đồng để làm các thủ tục hành chính.

Số tiền còn lại sau khi du học sinh có giấy báo nhập học của Nhật Bản thì ông Phúc phải đóng tiếp.

Về phía bà Hương, sau khi du học sinh sang học tại Nhật Bản bà Hương phải có trách nhiệm liên hệ với phía Nhật Bản để tạo điều kiện có việc làm thêm, có thu nhập ổn định”.

Tại hợp đồng này cũng nêu rõ: Hợp đồng này được hai bên xem kỹ và thỏa thuận ký vào hợp đồng nếu ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
 
Phụ huynh, du học sinh đem đơn tố cáo tới Cục đào nước ngoài nhưng bộ phận một cửa cho biết Trung tâm Phan Hi không trong danh sách quản  lý.

Đơn thư phản ánh của các phụ huynh và  lưu học sinh nộp hồ sơ du học tại Trung tâm du học Phan -hi khẳng định lý do từ chối tư cách lưu trú du học từ phía Cục xuất cảnh Nhật Bản cung cấp vì lý do hồ sơ sai xót là mập mờ, không xác thực. Tuy nhiên, nguyện vọng rút lại hồ sơ và số tiền cọc đã đóng bị bà Hương từ chối và yêu cầu phải đóng thêm tiền thì mới được trả hồ sơ.

Theo phản ánh của phụ huynh và du học sinh đợt nhập học tháng 4/2016 có 12 lưu học sinh được bà Hương thông báo bị phía Nhật Bản từ chối lưu trú. Các phụ huynh cũng tố bà Hương thu tiền đặt cọc của học sinh quá mức quy định, không có hóa đơn, giấy tờ liên quan.

Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của học sinh Hà Hồng Huân bức xúc nói: “Chúng tôi đã yêu cầu rất nhiều lần bà Hương phải cam kết với gia đình về những gì đã hứa có chữ ký để gia đình đi công chứng nhưng đều bị từ chối”.

Trung tâm du học Nhật Bản do bà Hà Thị Xuân Hương đứng đầu có đầy đủ tư cách pháp nhân làm trợ giúp, tư vấn, tuyển sinh du học theo quy định của pháp luật hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
Danh sách tạm tiền đặt cọc của một số lưu học sinh:

Nguyễn Văn Thành (SN 1988), thị xã Sơn Tây, Hà Nội; số tiền đặt cọc 48,8 triệu đồng.

Tạ Việt Hiếu thị xã Sơn Tây, Hà Nội,  số tiền đặt cọc; 33,8 triệu đồng.

Trần Thị Phương (SN 1987) Hoài Đức, Hà Nội; số tiền đặt cọc: 52 triệu đồng

Hoàng Công Đô (SN 1993) Nghi Lộc, Nghệ An; số tiền đặt cọc: 20 triệu đồng

Hà Hồng Huân (SN 1997) xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội; số tiền đặt cọc 42,82 triệu đồng.
 
>> Cặp song sinh 9X tài năng, xinh đẹp nổi tiếng cộng đồng du học sinh Việt
 
Theo Đỗ Hưng (VOV.vn)