Sáng 9/12, HĐND TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Trả lời về tình hình dịch trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, từ ngày 11/10, số ca mắc tăng cao.
Đặc biệt ngày 6/12 phát hiện số ca mắc cao nhất từ trước đến nay là 774 ca và ngay trong sáng 9/12, đã có 172 ca dương tính.
Sở Y tế thấy rằng, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao, có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện và có thể xuất hiện biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, theo bà Hà, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của thành phố là trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng hầu hết đều chỉ có triệu chứng nhẹ (khoảng 92%), có thể điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động.
Về nguyên nhân dịch diễn biến phức tạp, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, do mầm bệnh đã có ở cộng đồng, đặc điểm địa lý đa dạng, dân cư đi lại qua các tỉnh, thành và cuối năm các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh diễn ra nhộn nhịp... Ngoài ra còn có nguyên nhân từ tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ liều vaccine.
"Diễn biến tình hình dịch bệnh dự báo như trên, tuy nhiên, nếu tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự đồng thuận, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của người dân thì Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình", VnExpress dẫn lời bà Hà.
Song song với số ca mắc mới tăng cao là lượng bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị lớn. Vừa qua, một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện việc điều trị F0 tại nhà, nhiều người dân vẫn lo ngại về việc quá tải hệ thống y tế tương tự TP.HCM trong làn sóng dịch thứ 4.
Thực tế, động thái chuyển các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tới cơ sở y tế khác của một số bệnh viện trên địa bàn thành phố sau khi nhận kết quả xét nghiệm cũng khiến lo lắng của người dân trở nên có cơ sở hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện khẳng định số giường bệnh vẫn trong kế hoạch của thành phố. Việc luân chuyển bệnh nhân cũng là quy định về tầng điều trị.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết cơ sở y tế này được phân công tại tầng 3 trong mô hình điều trị của Bộ Y tế và hiện có 250 giường. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mới có tổng cộng 153 F0 đang được theo dõi và điều trị.
Trong số này, khoảng 20 trường hợp đang có diễn biến nặng. Số bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch là 10 người. Cụ thể, 2 bệnh nhân phải lọc máu, 5 ca thở máy xâm nhập và 3 trường hợp thở máy không xâm nhập.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm: “Theo kế hoạch, Hà Nội đã chuẩn bị 12.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, toàn hệ thống y tế của thành phố đến nay mới đang điều trị gần 6.000 bệnh nhân. Do đó, các bệnh viện tại Hà Nội vẫn chưa đến mức quá tải”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cũng cho biết cơ sở y tế này cũng thuộc tầng 3 trong mô hình điều trị. Bệnh viện Thanh Nhàn đang theo dõi và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, gần 40 trường hợp có diễn biến rất nặng và nguy kịch.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế tuyến đầu tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng trên toàn khu vực phía Bắc, đang có tổng cộng 510 F0. Trong đó, số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch là 103 người.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế này đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai 500 giường hồi sức tích cực và dự kiến sẽ đáp ứng sau vài tuần tới.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố còn 22 bệnh viện khác đang tiếp nhận và điều F0 trên địa bàn gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đang điều trị 168 F0), các bệnh viện thuộc Hà Nội là Hà Đông (146), Sơn Tây (53), Bắc Thăng Long (59), Gia Lâm (48), Mê Linh (147), Tâm Thần Hà Nội (11), Quốc Oai (113), Chương Mỹ (121), Vân Đình (152), Phú Xuyên (133), Hoài Đức (17), Mỹ Đức (95), Sóc Sơn (04), Đan Phượng (13), Đông Anh (7), Ba Vì (38), Thạch Thất (16), Thanh Oai (34), Phúc Thọ (2), Phụ Sản (8), Phổi Hà Nội (4).
Một số cơ sở điều trị khác gồm: Ký túc xá Phenikaa (535), Đền Lừ III (919), Thượng Thanh (786), Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.622).
Các trạm y tế lưu động tại 22 quận, huyện cũng đang tiếp nhận các trường hợp nhiễm nCoV là: Hoài Đức (124), Đan Phượng (91), Thanh Trì (17), Mỹ Đức (26), Sóc Sơn (101), Long Biên (32), Đông Anh (7), Hà Đông (6), Bắc Từ Liêm (59), Chương Mỹ (193), Gia Lâm (39), Mê Linh (54), Thanh Xuân (57), Quốc Oai (24), Thạch Thất (21), Tây Hồ (05), Ba Vì (3), Phú Xuyên (2), Nam Từ Liêm (2), Thanh Oai (2), Hoàng Mai (2), Thường Tín (2).
“Tôi nghĩ vấn đề có thể nằm ở sự phối hợp giữa các đơn vị còn chưa thực sự nhuần nhuyễn, người dân chưa hiểu rõ hệ thống tiếp nhận và điều trị. Nếu nói thành phố quá tải giường bệnh là chưa đúng”, ông Thường nhận định.
Hà Nội: Người bệnh test nhanh dương tính tự đến cơ sở tuyến cuối
BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn thừa nhận, hiện tại số ca mắc của TP tăng nhanh và xuất hiện tình trạng người dân tự mua test nhanh. Khi có kết quả dương tính, họ không thông báo với chính quyền địa phương, trung tâm y tế mà tự đi thẳng đến bệnh viện.
“Đây là vấn đề gây nhiều nguy hiểm”, bác sĩ Hường nhấn mạnh, bệnh nhân tự di chuyển, quãng thời gian rất dài, gây nhiều nguy cơ lây nhiễm.
“Mức độ ồ ạt của bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính tại nhà ảnh hưởng đến công tác phân luồng của cho bệnh viện. Thời gian chờ đợi lâu, không có chỗ để chờ đợi gây ra lây chéo tại khu vực cách ly”.
Bác sĩ này nhấn mạnh, đây là vấn đề tâm lý bình thường của người bệnh. Khi có kết quả test nhanh, họ hoang mang, lo lắng và muốn đến ngay cơ sở điều trị để an tâm. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân ở tầng 1 có thể được điều trị tại nhà nên theo quy định của TP cũng như Sở Y tế để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)