Ngày 9/1, trao đổi với phóng viên Báo Gia Đình & Xã Hội, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia, năm 2022 cho biết, năm 2022 Việt Nam "hứng trọn" 12 – 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Con số này thấp hơn trung bình nhiều năm, bão bắt đầu muộn (28/6/2022) và kết thúc sớm (3/11/2022).
Về không khí lạnh, năm 2022, Việt Nam có nhiều hơn so với 2021, không khí lạnh đến sớm nhưng chính vụ lại thưa thớt. Nắng nóng ít hơn so với trung bình nhiều năm và không gay gắt. Bắc Bộ ít lũ, lũ nhỏ; Trung Bộ lũ tập trung tháng 9, 10/2022.
Theo ông Lâm, năm 2022, nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm. Trong đó, khu vực Điện Biên, Lai Châu cao hơn khoảng từ 0,5-1,0 độ.
Toàn miền xảy ra 14 đợt nắng nóng trên diện rộng, ít hơn hẳn so với 2021; 26 đợt mưa lớn (Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn so với Trung Bộ và Tây Nguyên); có 22 đợt không khí lạnh xâm nhập xuống nước ta, trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 07 đợt không khí lạnh tăng cường (ít hơn so với trung bình nhiều năm).
Đặc biệt, năm 2022, trên Biển Đông đã đón 2 cơn bão và 7 cơn áp thấp nhiệt đới; khu vực Bắc Bộ có lũ lớn trên thượng lưu các sông nhỏ.
Tuy nhiên, khu vực đô thị, thành phố lớn ở khu vực đồng bằng cũng như vùng núi vẫn xảy ra ngập lụt như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả), Lào Cai, Lai Châu, Tp Điện Biên Phủ (Điện Biên), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)…
Tại khu vực Trung Bộ Tây Nguyên xuất hiện 03 đợt lũ vừa và lớn trên diện rộng, tại Nghệ An và từ Nam Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên, xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10.
Năm 2023, dự kiến có 11 - 13 cơn bão vào biển Đông
Dự báo xu thế khí tượng thủy văn năm 2023, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm 2023, La Nina (giai đoạn nhiệt độ nước biển pha lạnh) duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%.
Sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%, những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biến khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.
Ông Lâm cũng đưa ra dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ năm 2023 trên khu vực Biển Đông. Trong đó, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Bắc, từ khoảng tháng 9 -11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung.
Về nắng nóng: Các tháng nửa đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với TBNN, các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Về lượng mưa: Tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.
Năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông đề phòng Bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra nhận định diễn biến thủy văn năm 2023, như sau:
Khu vực Bắc Bộ:
Từ tháng 02-7/2023, nguồn nước trên các sông suối hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô
Riêng Hạ lưu sông Hồng- Thái Bình trong tháng 01-02 xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 10-20% do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân.
Năm 2023, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ lớn hơn trung bình nhiều năm.
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên:
Trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%; riêng một số sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Khu vực Nam Bộ:
Trong mùa khô năm 2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022.
Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 02,3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4/2023.
Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
NT (Nguoiduatin.vn)