Dự án resort ở Vườn quốc gia Ba Vì: Chuyện tưởng vậy nhưng không hẳn vậy

09/05/2016 21:32:00

Dự án Le Mont BaVi Resort & Spa hồi đầu tháng 3 mới đây bị báo chí 'dập' cho te tua, để rồi mọi người đều nghĩ rằng nó đã vi phạm nghiêm trọng về xây dựng trái phép trong khu rừng quốc gia Ba Vì đặc dụng... Tuy nhiên sự việc tưởng vậy nhưng không hẳn vậy.

Dự án Le Mont BaVi Resort & Spa hồi đầu tháng 3 mới đây bị báo chí 'dập' cho te tua, để rồi mọi người đều nghĩ rằng nó đã vi phạm nghiêm trọng về xây dựng trái phép trong khu rừng quốc gia Ba Vì đặc dụng... Tuy nhiên sự việc tưởng vậy nhưng không hẳn vậy.
 
Tại bình độ 600 và 800 m trên Vườn quốc gia Ba Vì có hàng trăm nền biệt thự hoang phế đã được Pháp xây từ năm 1937. Có những công trình đã được dự án trên cải tạo để sử dụng... Ảnh: Quốc Phong

Trong dịp Chính phủ tổ chức Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) có chủ đề: "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" vào sáng 29.4, tôi thấy rất tâm đắc trước lời phát biểu chân tình của ông khi nhắc lại và chia sẻ trước hiện tượng thực tế lâu nay mà DN không hài lòng về môi trường đầu tư ở nước nhà. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Các tỉnh, thành cả nước cần trải thảm thật sự để đón nhà đầu tư "chứ không phải trên thì trải thảm, dưới lại rải đinh". Tôi hiểu, Thủ tướng nói vậy không chỉ là sự chia sẻ mà đó còn là lời nhắc nhở các ngành, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho DN hoạt động và không được làm khó DN.

Tưởng vậy nhưng không hẳn vậy

Hôm 4.5, tôi có theo dõi trên báo Xây dựng của Bộ Xây dựng thì đã thấy rõ thêm nhiều về tính pháp lý qua "sự kiện" Dự án Le Mont BaVi Resort & Spa hồi đầu tháng 3 mới đây bị báo chí "dập" cho te tua, để rồi mọi người chúng ta nghĩ rằng nó đã vi phạm nghiêm trọng về xây dựng trái phép trong khu rừng quốc gia Ba Vì đặc dụng (thuộc TP.Hà Nội)...

Trước đó, tôi cũng có đọc trên một tờ báo, họ đã đăng nhiều kỳ về vụ này thì quả thực cũng thấy bức xúc. Nhưng rồi chính tờ báo đó sau này cũng đã đăng giải trình của DN nọ thì tôi mới vỡ lẽ, tưởng vậy nhưng không hẳn vậy.
Chính tác giả của bài viết này, do thấy bức xúc nên cũng từng viết một bài báo vào thời điểm đó. Bài viết cũng trên tinh thần phê phán dự án này (do một tờ báo họ đặt tôi viết để kịp tính "thời sự") mà chủ quan, chưa tìm hiểu thấu đáo ngọn ngành...

Sau đó, tôi đã cất công tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện trên, kết hợp với việc vừa được đọc bài viết của một tờ báo chuyên ngành nói trên nhìn nhận về góc độ pháp lý trong xây dựng. Tôi đã vỡ ra nhiều điều cho chính mình, một người có gần bốn chục năm cầm bút nhưng chỉ chủ quan một chút vẫn có thể mắc phải vì thiếu khách quan.

Thực ra, việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng quốc gia nói chung đã được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển. Chủ trương này được nêu rõ trong Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 10 có nêu rất rõ: “Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng”. Như vậy đủ để thấy Chính phủ ta đã ban hành một chủ trương rất đúng và trúng. Và đương nhiên, với nhà đầu tư, đây là thứ rất quan trọng để họ tự tin bỏ vốn đầu tư hợp tác thiệt lòng với Nhà nước, không còn gì phải lăn tăn. 

Ở khía cạnh luật pháp, căn cứ theo quy định tại luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004) thì: “Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường”.

Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng cũng nêu: “Vườn quốc gia được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái”.

Vậy thì còn gì đáng phải lo nữa? Bản thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đó cũng đã ban hành Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 8 có nêu: “Ban quản lý khu rừng đặc dụng tự tổ chức hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí”. Phải chăng do cách nghĩ giản đơn, thủ tục cuối cùng lúc này chỉ còn là vấn đề thời gian nên DN này đã tiến hành đồng thời?

Ấy thế nhưng với các nhà đầu tư, chặng đường để tới đích thật là trần ai. Câu chuyện của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD dù đã được Nhà nước cho cơ chế rất thuận lợi với cả "rừng" văn bản, từ luật định cho đến nghị định, nghị quyết, thông tư này nọ và đầy đủ đến như thế, nhưng rồi các công đoạn thực hiện ở cấp phê duyệt lại có tiến độ rất chậm.
 
Chuyện tưởng vậy nhưng không hẳn vậy 3
... có những nền biệt thự cổ rất đẹp thì sẽ được họ giữ lại... Ảnh: Quốc Phong

Các nhà đầu tư dự án cũng rất biết việc họ chấp nhận sẽ đổ hàng trăm tỉ đồng xây khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các khu rừng đặc dụng theo chủ trương đã được Nhà nước cho phép nói trên không phải chỉ dành riêng một vườn quốc gia nào mà là chủ trương chung, trong đó có Vườn quốc gia Ba Vì. Chính vì thế, trong khi chờ quyết định ban hành, dự án Le Mont BaVi Resort & Spa đã âm thầm triển khai khi chưa có quyết định ban hành. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Chánh văn phòng Công ty CFTD thì đúng là do DN đã có phần chủ quan nóng vội khi thực hiện. "Trong khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà công ty đã chủ động triển khai một phần thì đúng là có lỗi. Song, hãy đặt mình vào tình thế như chúng tôi, khi tiến độ dự án bị chậm trễ và không còn kiên nhẫn nổi nên mới có chuyện đáng tiếc này. Người ta cũng đã hiểu nó xuất phát từ đâu mà nên nỗi và rất mong rằng dư luận có sự sẻ chia với chúng tôi...", bà Mai Hiên nói.

Tôi có để ý tìm hiểu thêm thì do nguồn kinh phí bảo vệ rừng nói chung của ngành lâm nghiệp hiện rất khó khăn. Như Vườn quốc gia Ba Vì chẳng hạn thì ngân sách không thể nuôi nổi nguồn nhân công làm vệ sinh môi trường dù có chút nguồn thu từ phí vào cổng của du khách. Một khi đã vậy thì hàng trăm nền biệt thự hoang phế gần thế kỷ nay vô tình biến thành nơi phóng uế của khách thập phương. Vì thế, càng cần thiết có nhà đầu tư để có điều kiện vừa chăm sóc rừng vừa giữ gìn và tôn tạo cảnh quan vốn rất đẹp, phục vụ môi trường du lịch sinh thái làm sao cho tốt hơn.

Tiến độ kéo dài khiến DN nôn nóng...

Do nhận thức, dự án khi đi vào hoạt động, không những nó góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch khu rừng đặc dụng Ba Vì sẽ thêm bội phần khang trang, tạo môi trường sinh thái thân thiện, mà còn thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với quần thể Vườn quốc gia Ba Vì nói chung nên họ đã âm thầm triển khai chưa đúng nguyên tắc, dù chỉ là khôi phục lại các ngôi nhà trên nền biệt thụ hoang phế từ năm 1937 của thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng dành cho sĩ quan và công chức Pháp này.

Rất có thể là CFTD đã không thể lường trước việc dự án phải kéo dài đến 8 năm và chờ đợi mòn mỏi trong muôn vàn khó khăn khi vốn đầu tư đã tập trung vào mà không được vận hành chính thức... Họ đã buộc phải kêu cứu lên Chính phủ trong dịp cuối năm 2015. Trong khi đó, tiền thuê đất 50 năm thì cũng đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng rồi hợp đồng thỏa thuận hợp tác giữa CFTD với Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thực hiện mặc dù đây là những gì đã nằm trong khuôn khổ pháp lý, đều không hề có gì sai phạm...

Cũng có luồng ý kiến cho rằng tiền thuê đất rừng trong dự án này quá rẻ. Tôi xin không đề cập ở đây vì dù nó có đắt rẻ ra sao thì cũng do biểu giá thuê đất rừng của Nhà nước chúng ta đang được áp dụng chung. Hơn nữa, tuy được giao đất rừng như vậy nhưng nhà đầu tư vẫn phải bảo tồn cây rừng nguyên trạng, họ đâu có quyền khai thác nó, lại không có nguồn nước máy đưa lên mà sẽ phải dùng nước suối tự nhiên hoàn toàn...

Căn cứ văn bản số 1847/BNN-KL ngày 1.7.2008 về việc liên doanh, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Ba Vì, ngày 22.8.2008, Vườn quốc gia Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với CFTD trên tổng diện tích 60,14 ha tại khu vực cốt 400 m, 600 m, 700 m, 800 m. Toàn bộ diện tích dự án nằm trong phân khu hành chính dịch vụ I của Vườn quốc gia Ba Vì. Vấn đề này cũng được nêu rõ tại quy hoạch phân khu 1/2.000 của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, mật độ xây dựng sau này cũng rất thấp, chỉ 1,8% trên tổng quỹ đất rừng được Nhà nước giao trong khi quy định cho phép tác động đến 20%.
 
Chuyện tưởng vậy nhưng không hẳn vậy 2
... hoặc phải gia cố thêm cho an toàn để tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn hơn... Ảnh: Quốc Phong

Hành trình gian nan về thủ tục

Theo báo Xây dựng, sau khi quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Ba Vì giai đoạn 2010 - 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, ngày 6.5.2010, Công ty CFTD đã có công văn số 281/CV-CFTD-DABV, công văn số 223/CV-CFTD-DABV ngày 15.12.2010 và công văn số 229/CV-CFTD-DABV ngày 29.12.2010 đề nghị được gia cố, tôn tạo, sửa chữa 13 công trình (nhà gỗ lắp ghép) trên cơ sở các công trình phế tích cũ của Pháp để làm chỗ ở cho nhân viên, chuyên gia phát triển dự án.

Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I sau đó cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1254/QĐ-BNN-TCLN, ngày 6.6.2014, theo hướng chỉ đạo để Công ty CFTD lập dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Trước thực tế nêu trên, ngày 25.6.2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1641/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động tài nguyên môi trường, Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cũng có văn bản chấp thuận giải pháp PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án.

Để đảm bảo cho dự án được triển khai, hoàn thiện đúng tiến độ, ngày 26.6.2015, Vườn quốc gia Ba Vì đã có tờ trình gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin triển khai dự án. Trong khi chờ ý kiến Tổng cục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CFTD có văn bản đề nghị được cải tạo, sửa chữa các công trình trên để phù hợp với công năng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Đề xuất này sau đó đã được Vườn quốc gia Ba Vì chấp thuận dựa trên nền tảng cho cải tạo sửa chữa từ 13 công trình phế tích cũ.

Bằng đó những văn bản và hồ sơ mang tính pháp lý cùng với luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án trên, nó đã cho thấy DN này họ không phải không tuân thủ quy trình. Song, sức ì của bộ máy chúng ta đã khiến họ thiếu bình tĩnh hơn. 

Có thể khẳng định Le Mont BaVi Resort & Spa đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để đầu tư xây dựng, việc nói dự án hoàn thiện khi chưa được sự đồng ý của các đơn vị chủ quản là không đúng. Mặt khác, việc cải tạo, sửa chữa 13 công trình phế tích cũ của Vườn quốc gia là do nhu cầu bức bách về nhà ở của các cán bộ, công nhân viên. Bởi xét theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng, tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 cũng đã có nêu rất rõ: “Phân khu dịch vụ - hành chính là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí”...

Xét từ thực tế nêu trên, việc đầu tư xây dựng dự án Le Mont BaVi Resort & Spa cho thấy nó đều đã phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc để các công trình làm nhà ở khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là trách nhiệm và đáng trách của cả hai phía, trong đó có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo Nghị định 180/NĐ-CP của Chính phủ thì dự án phải được đình chỉ xây dựng để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cũng là đúng. Hi vọng các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh và quyền lợi cho phía nhà đầu tư. Chúng ta không nên quá kéo dài để làm khó cho các DN. Phải làm sao để phía dưới thảm đỏ kia không hề có đinh cài. Như thế mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư khác nếu họ muốn tiếp tục tham gia... như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ.

Tôi mong rằng sau sự cố này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có một cuộc cách mạng trong thủ tục cải cách hành chính để một ngày không xa, những vườn quốc gia khác trên cả nước cũng sẽ là những mảnh đất đầu tư hấp dẫn cho các dự án có liên quan đến việc mở mang cải tạo, nâng cấp khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khác nữa trên cơ sở vẫn bảo tồn rừng đặc dụng như rừng quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), rừng quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc)..., nơi cũng đã từng có nhiều nền biệt thự hoang phế từ thời Pháp hiện còn để lãng phí, mất vệ sinh...

Theo Quốc Phong (Thanh Niên Online)