Dự án lấn sông Đồng Nai: Chờ kết luận của Thủ tướng

27/05/2015 11:26:36

Ngày càng nhiều ý kiến với dẫn chứng, lập luận cụ thể đã phản bác các “cơ sở, căn cứ” của địa phương, chủ đầu tư trong dự án lấn sông Đồng Nai.

Ngày càng nhiều ý kiến với dẫn chứng, lập luận cụ thể đã phản bác các “cơ sở, căn cứ” của địa phương, chủ đầu tư trong dự án lấn sông Đồng Nai.

Liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai, một số bộ đã có ý kiến cho rằng dự án thực hiện chưa chặt chẽ, đánh giá thiếu khoa học, nhất là việc đánh giá tác động dòng chảy. Việc đánh giá tác động dòng chảy đã chưa định lượng cụ thể các tác động của dự án đến thoát lũ, nhất là khi lũ lụt kết hợp với triều cường ở hạ du và xả lũ ở thượng nguồn. Pháp Luật TP.HCM xin điểm lại một số ý kiến có phần trái ngược nhau, giữa một bên là UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư… và một bên là các cơ quan được Chính phủ giao kiểm tra lại dự án, các chuyên gia...

Tỉnh Đồng Nai + các bên liên quan

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện MT&TN (đơn vị lập ĐTM), trả lời PV báo Người Lao Động (ngày 13-5): “Kết luận nào mà chả giống nhau. Vì các ĐTM đều thực hiện theo mẫu Thông tư 26/2010 của Bộ TN&MT”. Khi bị hỏi dồn, ông Phước nói: “Dư luận là ai? Toàn mấy kẻ phá hoại thôi”.

Quy trình: Dự án theo đúng quy trình: Năm 1997, UBND tỉnh Đồng Nai đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 phường Quyết Thắng (Biên Hòa), trong đó có khu vực dự án. Năm 2009, tỉnh duyệt điều chỉnh quy hoạch, trong đó tách riêng dự án kè lấn sông Đồng Nai và đất quy hoạch dự án cảnh quan ven sông… Dự án được thực hiện đầy đủ các thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng. (Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 24-3-2015)
 

Chủ đầu tư đã đổ vào dự án lấn sông cả trăm tỉ đồng, đặt mục tiêu thu hồi vốn và có lời từ việc “cải tạo cảnh quan”, thực hiện dự án ven sông Đồng Nai. Ảnh: MP

Đánh giá tác động dòng chảy: Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lập báo cáo đánh giá tác động dòng chảy và Viện Thủy lợi và Môi trường (Trường ĐH Thủy lợi) thẩm định. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cẩn trọng và kết luận việc lấn sông không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận. (Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Đồng Nai)

Cấp nước: Trong thông cáo báo chí ngày 24-3-2015 của UBND tỉnh Đồng Nai nói không ảnh hưởng đến TP.HCM, vị trí đầu bơm nước cấp cho TP.HCM nằm ở đầu cầu Hóa An, cách dự án hơn 1 km về thượng nguồn, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi dự án. Vị trí trạm bơm của Công ty Cấp nước Đồng Nai thì dời ra xa, đảm bảo khoảng cách.

Bộ TN&MT + các nhà khoa học

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: Có một điều lạ là ĐTM của dự áncó nhiều chỗ rất giống với ĐTM của dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. Cụ thể, phần kết luận và kiến nghị (là rất quan trọng) được sao chép từ dự án công viên nghĩa trang.

Nhiều vi phạm về quy hoạch: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng ở phường Quyết Thắng được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt (có khu đất dự án) chưa thực hiện theo quy trình điều chỉnh cục bộ các nội dung liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP (đã được Thủ tướng duyệt trước đó). Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết cũng chưa xác định rõ chức năng đô thị cho khu đất dự án lấn sông. (Văn bản của Bộ Xây dựng gửi Bộ TN&MT).

Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy có nhiều khiếm khuyết, thiếu sót. Cụ thể, báo cáo thiếu nhiều số liệu, dữ kiện, chưa đánh giá tính ổn định của cả dòng sông, đặc biệt chưa lấy ý kiến của Bộ TN&MT và các tỉnh, thành trên lưu vực. (Ông Hoàng Văn Bảy, Cục Quản lý Tài nguyên nước, nói tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT hôm 25-5)

Văn bản gửi Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai mới đây nêu rằng việc lấn sông Đồng Nai có thể gây ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho TP.HCM. Từ đó, UBND TP đề nghị cần xem xét tác động đến hạ lưu, đặc biệt là việc khai thác nước thô của TP.HCM.
 
Xử lý căn cứ vào báo cáo của các bộ

Chiều 26-5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết ở dự án này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có kiểm tra thực tế. Nhưng đây mới chỉ là kiểm tra ban đầu. Vừa qua, một số bộ đã xem xét, đánh giá lại dự án này và hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức. Việc xử lý với dự án trên phải căn cứ vào kết quả xem xét, đánh giá từ các bộ này.

HOÀNG VÂN
 
“Có thể phải móc đất đã lấn sông”

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 26-5, đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng điều quan trọng lúc này là cần có một kết luận cuối cùng về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này. “Gần đây Thủ tướng đã có chủ trương thành lập những cơ quan tư vấn về khoa học cho Thủ tướng. Việc này là cần thiết, rất đáng hoan nghênh. Theo tôi, Thủ tướng nên áp vào việc này bằng cách yêu cầu các cơ quan tư vấn đó vào cuộc để có quyết định cuối cùng một cách đúng đắn” - ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, ĐTM dự án đã được duyệt nhưng bị một số nhà khoa học phản bác. Một số bộ liên quan cũng đã khảo sát thực tế và đánh giá ĐTM chưa đủ cơ sở nên lúc này rất cần có tiếng nói cuối cùng từ đơn vị thứ ba một cách khoa học. Từ đó đúng, sai phải được xác định cụ thể rồi quy trách nhiệm (đối với cơ quan quản lý, chủ đầu tư), xác định ai là người đứng ra khắc phục hậu quả.

Tôi cho rằng câu chuyện liên quan đến sông Đồng Nai là một bài học cần tránh. Bởi hiện tại chúng ta có rất nhiều TP nằm bên sông, như dọc sông Hồng có rất nhiều công trình, vậy nó đã được thẩm định chưa? “Hiện dự án đã tạm dừng nhưng cần khắc phục nữa và muốn khắc phục thì phải có kết luận cuối cùng. Bởi vì dự án lấn sông nếu gây ra tác động xấu nghiêm trọng phải móc đất cát đã san lấp lên, trả lại hiện trạng ban đầu” - ông Quốc nói.

LÊ PHI
 
>> Phải tiếp tục dừng dự án lấp sông Đồng Nai
>> Đề xuất xóa sổ dự án lấn sông Đồng Nai
>> Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự án lấp sông Đồng Nai
>> Tạm dừng thi công dự án "lấp sông Đồng Nai" 
>> Đại gia bỏ 3.200 tỷ "lấp" sông Đồng Nai "khủng" cỡ nào?
>> Lấn sông Đồng Nai: Đồng Nai "quên" quyền lợi 10 tỉnh bạn
 
Theo Gia Nghĩa - Tiến Dũng (Pháp Luật TPHCM)