Dự án đường trên cao ở Hà Nội hoàn thành: Mặt đường như 'bãi chông'

30/06/2022 07:24:25

Để triển khai nhiều dự án giao thông lớn, nhiều tuyến phố Hà Nội được sử dụng làm công trường. Dự án gần hoàn thành, việc hoàn trả mặt bằng chậm hoặc thi công ẩu nên mặt đường của nhiều tuyến phố đang trở nên nham nhở, ổ gà ổ trâu; thậm chí có đoạn đinh sắt lô nhô như bãi chông.

Sau nhiều năm sử dụng đường làm công trường dự án thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, từ năm 2020, các đơn vị thi công đã dỡ hàng rào để hoàn trả mặt bằng tuyến đường Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông) dài 9 km. Sau hơn 2 năm được hoàn trả, mặt đường Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông) đã trải qua nhiều lần được đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội thảm lại. Đến nay, mặt đường đã được tôn cao so với trước, mỗi bên rộng tới 5 làn xe thế nhưng tại các vị trí, hố ga thu nước mưa, nước thải hõm sâu so với mặt đường từ 5 đến 10 cm. Việc này đã tạo nên những ổ gà, ổ trâu rất nguy hiểm cho cả xe máy, ô tô nếu sa vào. Nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông đã xảy ra, đặc biệt là vào ban đêm khi bánh xe máy, ô tô lọt vào những nắp hố ga khiến lái xe mất lái.

Dự án đường trên cao ở Hà Nội hoàn thành: Mặt đường như 'bãi chông' ảnh 1
Đinh thi công nhô lên khỏi mặt đường tại nhà ga tàu trước ĐH Quốc gia

Tại đoạn từ cầu Mới đến chợ Thượng Đình, có đến hơn 100 nắp hố ga bị lõm sâu so với mặt đường, riêng đoạn trước số nhà 108 có hơn 10 nắp hố ga nằm sát nhau, có những nắp nằm hàng ngang…

Chiều 27/6, có mặt trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu phóng viên cũng ghi nhận, mặt đường tuyến đường này không còn bằng phẳng, nhiều đoạn lún, rách nham nhở. Một số vị trí đã được thảm bù lún, nhưng do bê tông nhựa thảm cao hơn mặt đường hiện tại nên nhiều gờ, sống trâu đã lồi lên gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện.

Sắt thi công nhô lên khỏi mặt đường như chông

Trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, đoạn qua các nhà ga trên cao (tuyến Nhổn- Ga Hà Nội), phóng viên ghi nhận mặt đường còn nhô nhiều đầu đinh nhọn, ống sắt thi công chưa được nhổ hết, riêng mặt đường qua nhà ga trước Đại học Quốc gia, ở cả hai chiều đường đều có rất nhiều đinh nhọn, ống sắt thi công nhô lên khỏi mặt đường rất nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Anh Tài, lái xe ôm thường đón khách trước cổng ĐH Quốc gia cho biết, đã có rất nhiều ô tô, xe máy qua đoạn này bị đinh, ống sắt đâm cứa rách lốp, xì hơi, phải dắt bộ hoặc gọi cứu hộ. Trước đây, mặt đường này được đầu tư làm rất phẳng và đẹp, song do bị sử dụng phục vụ thi công metro nên mới trở nên thảm hại như vậy.

Tình trạng này cũng xảy ra trên các tuyến đường có lưu lượng xe lớn như Trường Chinh, Minh Khai (trước đây cũng bị sử dụng để thi công đường Vành đai 2 trên cao), Phạm Văn Đồng (thi công đường Vành đai 3 trên cao)…

Cho ý kiến về quá trình hoàn trả mặt bằng theo quy định sau khi hàng rào quây tôn được dỡ bỏ, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết: Sau khi dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thi công xong hạng mục đường ray, nhà ga trên cao và dỡ hàng rào, tại các vị trí thi công ảnh hưởng, làm hư hỏng mặt đường, MRB đã yêu cầu nhà thầu thảm lại mặt đường đồng bộ cả tuyến. Cũng ông Hiếu cho biết, thành phố Hà Nội chấp thuận việc thảm lại mặt đường này được lập thành dự án riêng và giao cho Sở GTVT thực hiện.

Chiều 27/6, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đang có dự án đại tu, thảm lại đồng bộ mặt đường tuyến đường QL32 đoạn từ Cầu Giấy đi Nhổn. Vốn đầu tư lấy từ ngân sách giống như đã từng thực hiện tại đường Nguyễn Trãi (sau khi thi công xong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông). Tuy nhiên, khi nào triển khai dự án thảm lại mặt đường này thì đại diện Sở GTVT Hà Nội chưa nói rõ.

Với những vị trí nắp hố ga thấp hơn mặt đường Nguyễn Trãi, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ kiểm tra và yêu cầu các đơn vị có liên quan, trong đó có công ty thoát nước, điện lực sớm thực hiện nâng cao nắp hố ga bằng chiều cao mặt đường.

Với những đầu đinh sắt, ống thép còn tồn tại ở mặt đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ yêu cầu Ban Duy tu và Cty Cổ phần Công trình giao thông số 2 Hà Nội phối hợp kiểm tra và có giải pháp khắc phục ngay.

Theo Anh Trọng (Tiền Phong)