Đột nhập đường dây làm chính sách giả ở Nam Định

09/04/2015 07:54:26

Một số kẻ xấu tại tỉnh Nam Định đã làm giả các loại giấy tờ như huân, huy chương, bệnh án... để trục lợi, chiếm đoạt tiền của Nhà nước

Một số kẻ xấu tại tỉnh Nam Định đã làm giả các loại giấy tờ như huân, huy chương, bệnh án... để trục lợi, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.


Giả người mua tiếp cận đầu mối

Trong số những người buôn bán hồ sơ da cam giả tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, người ta hay nhắc đến một người đàn ông tên Nguyễn Văn Hà ở xã Nghĩa Lạc. Ông này có tài chạy giấy tờ giả và quan hệ rộng với các cấp chính quyền địa phương.

Theo nguồn tin, ông Hà đã có thâm niên buôn bán hồ sơ da cam giả ít nhất 5 năm với số lượng lớn. Thời gian từ 2010 trở về trước, ông Hà hoạt động công khai. Cách đây vài năm, khi lực lượng chức năng phát hiện các vụ làm giả hồ sơ da cam để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, bắt hàng chục đối tượng liên quan thì ông Hà chuyển sang hoạt động kín kẽ hơn. Những người có nhu cầu nhờ ông Hà chạy hồ sơ chất độc màu da cam đều phải thông qua khâu trung gian là người thân hoặc những người đã từng làm hồ sơ giả với gã.

Phóng viên đã vào vai người mua hồ sơ tìm đến ông Nguyễn Văn Hà, trú tại trung tâm xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng. Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên, ông Hà tiết lộ: Hiện ở Nghĩa Hưng đang có trên 1.000 bộ hồ sơ chờ phê duyệt. Nhưng theo lời ông Hà, số hồ sơ này không có tiền, mà “không vào dây của chúng nó thì còn khướt mới được”. Ông Hà khoe thời điểm hiện tại đã tập hợp được khoảng 60 bộ hồ sơ da cam chuẩn bị “nộp lên trên để xét”. Thông thường, các loại giấy tờ đầy đủ thì chắc chắn sẽ được hưởng tiền chính sách của Nhà nước theo mức lương từ 1,2 - 2,7 triệu đồng/1 người/1 tháng. Nhiều người có hồ sơ “xịn” nhưng không có tiền thì “còn lâu” mới được hưởng chế độ.
 

Một huy chương giả nhìn y như thật.


“Bây giờ nếu bác làm đủ hồ sơ mà chỉ nộp lên xã thì nó chỉ dừng lại ở đấy thôi. Phải có người dẫn đường thì mới được, mà người dẫn đường thì phải mất mấy chục. Các cụ bây giờ tuổi cao mà muốn làm đặc cách thì không bao giờ nó làm cho”, ông Hà cho biết.

Khi làm hồ sơ, ông Hà cam kết với các đối tượng là sẽ được hưởng chế độ một cách sớm nhất, nhanh nhất có thể. “Chỉ cần Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định phê duyệt xong là được”.

Địa bàn bán hồ sơ da cam giả của ông Hà bao gồm tất cả các đối tượng trong và ngoài huyện Nghĩa Hưng, miễn là người có nhu cầu, được người quen giới thiệu và nộp tiền đầy đủ. Trong quá trình làm hồ sơ, ngoài số tiền chạy chế độ, nếu người dân thiếu loại giấy tờ nào đó ông Hà sẽ nhận làm giả để bổ sung. Sau đó, chính người dân sẽ đem thứ giấy tờ giả mà ông Hà làm đến UBND xã, phường để công chứng. Nếu xã phát hiện vấn đề thì dùng các thủ đoạn như quen biết, đút lót cán bộ... bằng mọi giá để cán bộ công chứng xã ký xác nhận đó là giấy tờ sao y bản chính.

Chân dung người đàn ông được gọi là Nguyễn Văn Hà chuyên chạy hồ sơ giả ở xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng.


Bán trâu chạy chế độ

Theo thông tin mà một số người dân huyện Nghĩa Hưng phản ánh, khi làm hồ sơ da cam giả cho một người bất kỳ nào đó, các đối tượng nhận làm cả các gói “ăn theo” cho con, cháu của khách hàng. Chẳng hạn như người A làm hồ sơ da cam giả với giá 40 triệu đồng, nhưng có thể kê khai thêm con, cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học màu da cam để ăn theo suất của ông, bà, bố, mẹ. Nếu người A, làm thêm chế độ cho con cháu thì phải chi thêm cho các đối tượng làm giả khoảng 5 – 10 triệu đồng để chạy giấy tờ. Mỗi suất ăn theo hiện tại là 800.000đ. Theo phản ánh của một số người dân huyện Nghĩa Hưng thì trước đây, các đối tượng buôn bán hồ sơ giả thường ra giá 35 triệu đồng. Khi biết hồ sơ sắp được cơ quan chức năng duyệt, các đối tượng này thường đến tận nhà “khách hàng” để vòi vĩnh rằng: “Hồ sơ có chút khó khăn, phải chi thêm 5 – 10 triệu đồng nữa để lót tay thì sẽ được”. Ngay lập tức, người dân sẽ bán trâu, bò hoặc đi vay mượn anh em, họ hàng để có đủ được số tiền lót tay cho các đối tượng chạy hồ sơ. Nhưng thực chất, đây chỉ là việc “kiếm thêm” của các đối tượng chạy hồ sơ giả.

Cách đây vài năm, việc buôn bán, chạy hồ sơ giả đi vào hoạt động chuyên nghiệp, quy củ hơn. Các đầu mối làm hồ sơ giả sẽ đưa ra các gói với giá 35 và 45 triệu đồng tùy vào các loại giấy tờ cần làm giả và mức lương cao, thấp mà đối tượng cần hưởng.

Trong cuộc tiếp cận với người đàn ông tên Hà, những thông tin này được khẳng định thêm một lần nữa. Theo đó, nếu phải làm giả giấy tờ, huân, huy chương giải phóng miền Nam thì phải mất thêm 5,5 triệu đồng. Tức là người dân phải bỏ ra cho ông Hà 45,5 triệu đồng. Nếu người dân tự làm giả giấy tờ được thì chỉ mất 40 triệu đồng. Nếu làm giá gốc, hữu nghị hiện tại là 35 triệu đồng. Với giá này, ông Hà chưa có “tí công” gì.

Theo lời ông Nguyễn Văn Hà thì số tiền công mà ông thu được của khách là 5 – 10 triệu đồng, 25 – 30 triệu đồng còn lại là rải từ huyện đến tỉnh, tùy vào mức trợ cấp mà người dân muốn hưởng. Ví dụ, muốn hưởng mức thương tật trên 61% thì trong quá trình đi khám tại bệnh viện tỉnh phải chi cho y bác sĩ ở đây thêm 5 triệu đồng nữa. Nếu muốn tỷ lệ thương tật 69, 79% thì phải bỏ ra nhiều tiền hơn nữa. Nhưng đổi lại lương lại có thể đến 2,7 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của ông Hà thì nếu một người hưởng chế độ theo tỷ lệ thương tật trên 61% thì mức lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Nếu chết thì được hưởng số tiền tuất mà Nhà nước trả đã “mười mấy triệu”. Ngoài ra, chỉ cần hưởng lương khoảng 1 năm là có thể hoàn vốn. Việc làm hồ sơ này có thể oai được với con cháu rằng “đấy, ông cũng đi chiến đấu ở Miền Nam đấy! Giờ mới được Nhà nước trả công...”.

Trong số những người nhờ Hà làm hồ sơ giả, mặc dù có gia đình kinh tế khó khăn nhưng vẫn bán cả đất đai, ruộng vườn đi để có đủ số tiền đưa cho ông Hà chạy hồ sơ. Thông tin này được chính ông Hà tiết lộ trong khi tiếp xúc với phóng viên.

Trong quá trình tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Hà liên tục khoe khoang là quan hệ rộng đến tỉnh, huyện thì mới làm được công việc này. Nhiều người đã làm thành công rồi, nên ai thích thì làm, làm sớm thì hưởng chế độ sớm...

Phải khởi tố hình sự
 
“Trường hợp làm và buôn bán hồ sơ giả ở Nam Định có hai vấn đề. Một là làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản. Thứ hai, nếu người làm giả mà có chức, quyền thì đó là cố ý làm trái quy định của pháp luật để trục lợi. Cả hai trường hợp này đều phải khởi tố hình sự. Người dân làm hồ sơ giả cũng sẽ bị xử lý hình sự theo tội làm giấy tờ giả để trục lợi theo Luật Hình sự. Đối với người trực tiếp làm giả hồ sơ, giấy tờ mà họ thừa nhận như vậy trong các video điều tra thì được coi là một bằng chứng để kết tội. Tùy vào từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng để cơ quan chức năng làm căn cứ bắt giam đối tượng theo quy định của pháp luật.
 
Ông Đào Duy Hoằng (Văn phòng Luật sư Trường tín, Đoàn Luật sư Hà Nội)
 
 
 
Theo Q.Dương (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật