Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2023 là cuộc so tài của 4 thí sinh Nguyễn Việt Thành (trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Minh Triết (trường THPT chuyên Quốc Học - Thừa Thiên Huế), Lê Xuân Mạnh (trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) và Nguyễn Trọng Thành (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Ngoài trường quay chính, 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp năm nay sẽ được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố nơi có thí sinh lọt vào Chung kết năm. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tại các điểm cầu đang được gấp rút hoàn tất, sẵn sàng cho trận chung kết diễn ra vào ngày 8/10 tới đây.
1. Điểm cầu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc
Sau chiến thắng tại vòng thi Quý I, thí sinh Nguyễn Việt Thành (trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) đã mang cầu truyền hình về quê hương Sóc Sơn. Được biết, đây là lần thứ 2 trường THPT Sóc Sơn có cầu truyền hình Olympia, trước đó là Hà Việt Hoàng - người về vị trí thứ 3 trong Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 17.
Năm nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc được chọn làm điểm cầu trực tiếp của Hà Nội (năm ngoái là Văn miếu Quốc Tử Giám). Cho những ai chưa biết, địa điểm này nằm dưới chân Núi Sóc, là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Quần thể di tích đền Sóc hiện nay bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, chùa Non Nước, tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Vệ Linh và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
2. Điểm cầu tại trường THPT chuyên Quốc học Huế
Với tổng điểm 290, Nguyễn Minh Triết (trường THPT chuyên Quốc học Huế), đã xuất sắc mang cầu truyền hình năm thứ 23 về với tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi chiến thắng vòng thi Quý II. Chiến thắng này của Minh Triết đã giúp trường THPT chuyên Quốc học Huế lập kỷ lục ngôi trường có nhiều thí sinh lọt vào trận chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia nhất với tổng cộng 6 lần.
Điểm cầu Chung kết năm Olympia 2023 của Huế được đặt tại chính ngôi trường Minh Triết đang theo học là THPT chuyên Quốc học - ngôi trường đỏ thắm nằm bên dòng sông Hương thơ mộng và ở ngay giữa trung tâm thành phố Huế cổ kính với tuổi đời gần 130 năm. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Ai cũng hào hứng cho phần thể hiện sắp tới của Minh Triết.
3. Điểm cầu tại Quảng trường Lam Sơn
Lê Xuân Mạnh (học sinh trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa) đã giành chiến thắng trong cuộc thi Quý III. Với kết quả này, Thanh Hóa đã có học sinh tiếp theo góp mặt trong trận chung kết Olympia sau 12 năm, còn đây là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh đạt được thành tích này.
Quảng trường Lam Sơn được lựa chọn là điểm cầu của Thanh Hóa. Địa điểm này được xây dựng năm 2005 tại phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, là nơi hội tụ, tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội, các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, triển lãm... Quảng trường Lam Sơn được thiết kế hiện đại phù hợp với mỹ quan kiến trúc đô thị với không gian rộng, thoáng mát, sân khấu hoành tráng, hệ thống ánh sáng và đài phun nước hiện đại, vườn hoa, cây cảnh...
4. Điểm cầu tại Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Với màn rượt đuổi tỷ số ngoạn mục đến từ các nhà leo núi, cuối cùng, thí sinh Nguyễn Trọng Thành (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đã xuất sắc vượt qua 3 đối thủ còn lại để về đích đầu tiên tại vòng thi Quý IV với 330 điểm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp trường THPT chuyên Trần Phú nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung có cầu truyền hình Đường Lên Đỉnh Olympia.
Điểm cầu của Hải Phòng năm nay được đặt tại Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (năm ngoái là khu vực Nhà hát Lớn Hải Phòng). Đây là cụm công trình kiến trúc - văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay tại quê nội của ông là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt do Chính phủ trao tặng.
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)