Không chỉ Bình Định, Phú Yên, danh sách địa phương có tàu vỏ thép bị hư hỏng đã ghi thêm Quảng Nam và Thanh Hóa. Câu hỏi chưa ai trả lời là DN đóng tàu gian dối bỏ túi bao nhiêu tỷ?
Tất cả chỉ vì thói làm ăn gian dối, vô trách nhiệm của các DN đóng tàu. Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Thanh Hóa, rồi sắp tới sẽ là tỉnh nào nữa?
Tàu vỏ thép 17 tỷ đồng của ngư dân Quảng Nam gặp sự cố hỏng máy ngay lần đầu xuống nước |
Trong 39 tàu vỏ thép của 4 tỉnh miền Trung bị hư hỏng, phần nhiều là sản phẩm của một vài DN đóng tàu như công ty Nam Triệu (tại Hải Phòng) và công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định).
Sai phạm gây ra đều là lỗi chủ quan, không thực hiện đúng hợp đồng với ngư dân. Cụ thể là đã thay đổi chủng loại thép làm vỏ tàu từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang dùng thép TQ.
Chưa có con số cụ thể là sự thay đổi này đã làm giảm bao nhiêu phần trăm độ bền của con tàu. Cũng chưa ai làm phép so sánh là số tiền chênh lệch mà cơ sở đóng tàu lấy được của ngư dân từ việc tráo thép này là bao nhiêu.
Riêng máy tàu cũng là câu chuyện đầy rắc rối. Tàu thủy mà lại lắp máy bộ? Hợp đồng máy Misubishi chính hãng, mà lại lắp máy TQ. Rồi các máy phụ cũng đã cải hoán phụ tùng không đồng bộ… Hầm lạnh mà không giữ được lạnh, tàu vỏ thép để đi biển, vừa hạ thủy đã rỉ sét, được giải thích là do “nước biển quá mặn”.
Tàu gần 20 tỷ nhếch nhác như tàu thanh lý
Thật cám cảnh khi nhìn hình ảnh tàu thép mà ngư dân Thanh Hóa phải dùng mấy cây luồng nẹp vào cho vững. Mới hoạt động mấy tháng mà trần dột, nứt toác, hoen gỉ. Trông những cỗ máy trên tàu mới ra khơi vài chuyến đã cũ kỹ, rỉ sét, nhếch nhác như tàu vào bãi để thanh lý, chắc không ai dám nghĩ đến tuổi thọ của những con tàu tiền tỉ này.
Sau nhiều ngày tranh luận, những ông chủ đóng tàu đã phải công khai thừa nhận sai trái khi các cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm tra thực tế. Giải pháp trước mắt cũng đã được đưa ra.
Các công ty đóng tàu phải chịu 100% chi phí khắc phục hậu quả. Tàu phải được sơn lại, máy tàu phải là chính hãng và là máy mới. Những hư hỏng nhỏ sẽ được sửa chữa, tiền thép chênh lệnh phải trả lại cho ngư dân, đăng kiểm không làm hết trách nhiệm cũng phải trả lại tiền…
Ai làm sai cam kết thì phải chịu giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho đối tác. Tiền có thể đền bù, dù có vất vả tranh tụng.
Những rắc rối xung quanh con tàu vỏ thép đã làm người ta nghiệm ra một điều là hễ cứ cái gì có tiền là người ta tìm mọi cách để giành cho được “mối làm ăn”.
Người ta tranh thủ khoắng được từ những chương trình dự án này được chừng nào hay chừng ấy. Người ta chẳng những muốn kiếm lời công khai theo hợp đồng mà còn muốn được nhiều hơn thế bằng những mánh khóe sau hợp đồng, mà chỉ có họ mới hiểu.
Biết tráo thép, đổi máy, lập lờ thiết bị là vi phạm hợp đồng với dân mà vẫn làm. Bởi họ đang nghĩ đến những khoản hời. Khi gian dối trở thành phương châm kinh doanh của DN thì những ngư dân vốn quen ăn sóng nói gió hơn là những con số, ký hiệu máy móc đã được làm giả “ tinh vi” kia chỉ còn biết kêu trời!
39 so với 666 chỉ là con số nhỏ. Nhưng đó là cuộc sống của hàng trăm gia đình, là niềm tin của dân. Những con tàu rỉ sét trong chương trình 67 ở miền Trung chắc chắn là bài học đắt giá cho một chương trình hỗ trợ khác, dự kiến sẽ được Chính phủ triển khai trong thời gian tới.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng cho biết đến nay, cả nước có 666 con tàu được đóng theo nghị định 67/CP của Chính phủ với số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay trên 9.700 tỷ đồng và đã giải ngân 8.800 tỷ. Đa số tàu cá được đóng theo chương trình 67 đều hoạt động hiệu quả. Chỉ có 39 tàu tại 4 tỉnh miền Trung có sự cố. |