Hàng chục chốt an ninh
Lễ khai ấn đền Trần tổ chức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị.
Tục lệ này không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Năm nay, vào đêm 14 tháng Giêng (23/2), từ 22h15 đến 22h40, ban tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ dâng hương, sau đó là nghi lễ rước kiệu ấn và khai ấn.
Nhiều người dân chờ khai ấn, xin ấn từ sớm. Tuy nhiên, thời tiết mưa lạnh khiến lượng du khách bớt đông hơn so với mọi năm.
Lực lượng công an huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 70 chốt với 5 vòng đảm bảo nghiêm ngặt.
Các tổ kiểm tra, tiếp nhận, xử lý vụ việc, tổ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết giao thông trật tự… làm việc liên tục trong quá trình diễn ra lễ hội.
Trong thời gian diễn ra lễ khai ấn, lực lượng chức năng lắp hàng rào từ xa để đảm bảo an ninh. Nhiều người dân vái vọng ở phía trước. Thông tin về lễ khai ấn được truyền qua hệ thống loa phát thanh.
Tại đền Hạ, các bô lão vận áo dài, khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn.
Không có ấn giả, ấn ngoài luồng
Ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu Di tích đền Trần, chùa Tháp - cho biết công tác chuẩn bị lễ hội được đảm bảo chu đáo.
“Dịch vụ bán hàng cho du khách đã được di chuyển sang khu vực khác. Trước cửa đền Trần không còn bãi xe mà là khoảng không được trang trí bằng tiểu cảnh, hoa tươi…
Để khắc phục tình trạng hàng hóa không đúng giá, đúng chất lượng, BTC thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, liên tục kiểm tra và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả… ", ông Bình nói.
Trưởng BQL Khu Di tích đền Trần - chùa Tháp cũng khẳng định hành vi đổi tiền lẻ, chèo kéo du khách… không xuất hiện trong mùa lễ hội năm nay.
Hệ thống loa phát thanh được tận dụng để nhắc nhở người dân, du khách hạn chế đốt vàng mã. Trước thực trạng một số nơi, người dân tự đóng ấn và nộp tiền làm xấu đi ý nghĩa của ấn thiêng, ông Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh lễ hội đền Trần 2024 không để xảy ra tình trạng này.
“Ở lễ hội đền Trần không có ấn ngoài luồng hay ấn giả. Ban tổ chức phát ấn đến hết tháng Giêng, người dân không nên quá vội vàng, sốt ruột, tránh nhận những lá ấn hay vật phẩm tín ngưỡng không đúng thuần phong mỹ tục và điển tích của lễ hội”, ông Nguyễn Đức Bình nói.
Lễ hội đền Trần 2024 có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Trọng tâm là các hoạt động vào đêm khai ấn và hoạt động phát ấn bắt đầu từ sáng sớm ngày rằm.
Theo Ngọc Ánh - Trọng Tài (Tiền Phong)